Chính sách thỏa đáng cho người cao tuổi
Hội đồng Nhân dân TPHCM vừa thông qua nghị quyết quy định về chính sách khuyến sinh. Đây là một bước đi cụ thể để thích ứng lại xu hướng già hóa dân số, đang là một thách thức lớn.
Trên toàn cầu, hiện có khoảng 750 triệu người trên 60 tuổi, và dự báo con số này sẽ tăng lên 2,1 tỷ vào năm 2050. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo trở thành nước có dân số già vào năm 2036.
TPHCM cũng ghi nhận tốc độ già hóa nhanh, với tỷ lệ người cao tuổi (NCT) đạt 11,33% vào năm 2023. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 20% (khoảng 1,8 triệu người) và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (trên 30% tổng dân số). Do đó, nên nhìn nhận vai trò của NCT trong cơ cấu dân số và tốc độ già hóa dân số của TPHCM. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính sách an sinh xã hội, y tế và cơ sở hạ tầng đáp ứng xu hướng già hóa dân số và dân số già.
Thực tế, nhiều NCT nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp hoặc không ổn định, sống phụ thuộc vào con cháu. Điều đó dẫn đến áp lực về kinh tế, y tế, an sinh và nhiều vấn đề xã hội khác không chỉ đối với chính người già mà của xã hội trong các chính sách dành cho NCT.
Năm 2023, UBND TPHCM ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở NCT trong giai đoạn 2024-2025 và đã chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu NCT nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho NCT. Năm 2024, có gần 1 triệu NCT tại thành phố được thăm khám sức khỏe miễn phí…
Đây được xem là hướng đi đúng khi thành phố có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp. Tuy nhiên, với tốc độ già hóa nhanh, tỷ suất sinh lại thấp, trước nguy cơ mất cân bằng về cơ cấu dân số sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng và cơ cấu nguồn lực lao động, kinh tế của thành phố, chúng ta nên có các giải pháp căn cơ, bền vững tương ứng với tiến trình già hóa đang đến gần.
Đó là chưa nói đến tốc độ phát triển của một đô thị thông minh, đô thị số thì càng nên tính đến mức hội nhập để dần hòa nhập với các dịch vụ, nền tảng số của người già. Trong đó, đơn cử với tuyến Metro số 1 sắp đi vào vận hành, chính sách miễn giảm giá vé cho NCT là một lẽ; việc hướng dẫn, hỗ trợ họ thích ứng với phương tiện giao thông hiện đại này cũng giúp mang lại thêm sự tự tin, niềm vui sống cho NCT.
Nên chăng, có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn đối với Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm để đưa NCT tham gia vào thị trường lao động một cách phù hợp, khai thác được thế mạnh của họ là kinh nghiệm, kỹ năng cao, trách nhiệm…
Nhìn sang các nước dân số già, từ khái niệm “kinh tế bạc” đến nhiều phương thức, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp không chỉ dành phục vụ người già mà còn cho chính người già start-up.
Như vậy, thành phố không chỉ nên ưu tiên phát triển các lĩnh vực chăm sóc, phục vụ người già như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ thiết yếu khác mà còn tính đến việc “tận dụng” vốn quý của NCT như đã nói ở trên để vừa tăng sức lao động xã hội, giải quyết nhu cầu, tâm lý, sức khỏe “nhàn rỗi” của người già một cách phù hợp, hữu ích.
Với chính sách ngày càng coi trọng, ưu tiên chăm sóc NCT hơn, cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ 1-7-2025, trong đó NCT từ 75 tuổi trở lên (không có lương hưu) được hưởng trợ giúp xã hội thay vì 80 tuổi trở lên; thời gian người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội từ 15 năm thay vì 20 năm…, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất các cơ sở để NCT được thụ hưởng đúng nghĩa, đảm bảo các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc y tế, tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông, văn hóa, du lịch… cho người già.