Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2025
Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) 6 tháng đầu năm 2025; giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông tối đa không quá 4 triệu đồng/vé; không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú... có hiệu lực từ tháng 1/2025.
Giảm 2% thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2025
Tại Mục 8, Nghị quyết 174/2024/QH15 có đưa ra nội dung về giảm thuế GTGT 2% như sau:... 8. Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điểm a, Mục 1.1, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1 - 30/6/2025. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế GTGT trong Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.
Theo đó, chính thức giảm thuế GTGT 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điểm a, Mục 1.1, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1 - 30/6/2025.
10 luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Luật Đầu tư công 2024, Luật Sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024; Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024; Luật Thủ đô 2024; Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024; Luật Đường bộ 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023.
Giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông tối đa không quá 4 triệu đồng/vé
Căn cứ tại Điều 29, Thông tư 44/2024/TT-BGTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá phân loại theo cự ly nhóm đường bay, gồm: Nhóm I: Dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác); Nhóm II: Từ 500km đến dưới 850km; Nhóm III: Từ 850km đến dưới 1.000km; Nhóm IV: Từ 1.000km đến dưới 1280km; Nhóm V: Từ 1.280km trở lên. Hiện nay, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản tối đa được quy định tại Điều 4, Thông tư 17/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 34/2023/TT-BGTVT như sau: Nhóm I: Mức tối đa 1,6 triệu đồng/1 chiều (nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/1 chiều; nhóm II: 2.250.000 đồng/1 chiều; nhóm III: 2.890.000 đồng/1 chiều; nhóm IV: 3,4 triệu đồng/1 chiều; nhóm V: 4 triệu đồng/1 chiều.
Mức giá tối đa dịch vụ theo quy định trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, không bao gồm các khoản thu: Thuế GTGT; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; các khoản giá dịch vụ tăng thêm.
Không bắt buộc nộp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp khi đăng ký cư trú
Theo quy định mới tại Khoản 1, Điều 5 và Khoản 2, Điều 6, Nghị định 154/2024/NĐ-CP, công dân có thể chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác những thông tin về chứng minh quan hệ nhân thân, chỗ ở hợp pháp trong: Căn cước điện tử; tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu về cư trú; kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Trường hợp không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp, chứng minh quan hệ nhân thân trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hoặc ứng dụng định danh quốc gia, thì công dân mới cần cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, chứng minh quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu.
App Mobile Banking không cho phép ghi nhớ mật khẩu truy cập
Căn cứ Điều 8, Thông tư 50/2024/TT-NHNN, App Mobile Banking phải đáp ứng các yêu cầu: App ngân hàng phải đăng ký, quản lý tại kho ứng dụng chính thức của hãng cung cấp hệ điều hành cho thiết bị di động và có hướng dẫn cài đặt rõ ràng trên trang tin điện tử; nếu không đăng ký được, cần phương thức hỗ trợ cài đặt, đảm bảo an toàn và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Áp dụng biện pháp bảo vệ để ngăn dịch ngược mã nguồn. Có biện pháp bảo vệ luồng dữ liệu trao đổi trên app ngân hàng và giữa app ngân hàng với máy chủ, chống can thiệp trái phép. Phòng chống, phát hiện hành vi can thiệp trái phép vào app ngân hàng đã cài đặt trên thiết bị khách hàng. Ngoài ra, không cho phép ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập. Xác thực khách hàng là cá nhân khi truy cập lần đầu hoặc truy cập từ thiết bị khác, qua SMS OTP, Voice OTP, Soft OTP/Token OTP, hoặc sinh trắc học nếu có quy định.