Chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đã phát sinh một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn...
Áp dụng từ năm học 2021 - 2022, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Tác động lớn tới cơ sở đào tạo giáo viên
Sau 4 năm thực hiện, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ghi nhận, Nghị định 116 tác động lớn tới cơ sở đào tạo giáo viên. Nhờ đó, các trường thu hút được nhiều sinh viên chất lượng.
Những năm qua, một số học sinh được giải quốc gia, Olympic quốc tế đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngay trong năm 2024, số lượng học sinh đoạt học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào trường khoảng 300 em. Số đăng ký nguyện vọng chính thức khoảng 100 em.
Dữ liệu của Bộ GD&ĐT công bố trong năm tuyển sinh 2024 cho thấy, số lượng học sinh đăng ký vào các trường sư phạm tăng cao. So với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%. “Điều đó cho thấy, Nghị định số 116 đã tạo động lực cho sinh viên lựa chọn ngành Sư phạm”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Những năm gần đây, số lượng thí sinh và phụ huynh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên. Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển, thí sinh nhập học vào ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh so với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác. Điều đó chứng tỏ, Nghị định 116 tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên. Đây là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, quá trình triển khai Nghị định 116 còn những khó khăn, vướng mắc. Qua thực tế, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố.
Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỷ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. “Có thể nói phương thức đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116”, bà Nguyễn Thu Thủy nhận định.
Tháo gỡ khó khăn
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện có 6 cơ sở đào tạo giáo viên được các địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả một phần nhỏ, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Một số địa phương có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu đào tạo giáo viên, vì vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc, gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Ngoài ra, khó khăn, vướng mắc còn bắt nguồn từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Cụ thể, hằng năm (2021, 2022, 2023), Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GD&ĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm thường chậm và phải xin bổ sung so với kế hoạch đào tạo, dẫn đến khó khăn cho các trường và người học.
Hiện, Nghị định 116 giao UBND cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội; đồng thời địa phương không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn gây khó khăn cho việc thực hiện.
Qua giám sát thực tế, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận thấy, ít địa phương triển khai theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Việc đấu thầu đào tạo giáo viên được coi như cung cấp mặt hàng, các cơ sở đào tạo là đơn vị cung cấp. Trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các trường không giống nhau.
“Khi đấu thầu sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng có bề dày kinh nghiệm và thành tích đào tạo giáo viên trượt thầu và ngược lại”, bà Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề.
Ngoài ra, sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, khi tốt nghiệp muốn trở thành giáo viên và phục vụ trong ngành Giáo dục thì phải qua kỳ thi tuyển viên chức. Theo Nghị định 116, nếu sinh viên tốt nghiệp và không công tác trong ngành sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
“Nếu sinh viên không trúng tuyển kỳ thi viên chức, nghĩa là không do ý muốn chủ quan của người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không? Nếu không phải bồi hoàn dễ dẫn đến trường hợp ứng viên cố tình thi trượt”, bà Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn trên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, nên sửa Nghị định 116 theo hướng cung cấp kinh phí về học phí và sinh hoạt phí. Nghĩa là, sau khi sinh viên trúng tuyển vào trường thì được vay nguồn tín dụng với lãi suất thấp. Khi tốt nghiệp, nếu sinh viên được tuyển dụng làm trong ngành Giáo dục thì được hoàn trả toàn bộ kinh phí đó. Bằng giải pháp này, việc điều phối về mặt tổng thể sẽ thuận lợi và khả năng chuyển đổi giữa các môn học của sinh viên tốt hơn.
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116. Trong đó, Bộ đề xuất giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, quy định không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương tự đảm bảo kinh phí thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Từ các khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng dự toán, bố trí kinh phí thực hiện trên, Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung thêm nội dung hướng dẫn xây dựng dự toán và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như nội dung bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Đặc biệt, điểm mới đưa vào dự thảo lần này là dự kiến hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng.
Năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động làm việc với các địa phương và đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ. Các địa phương, cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để đảm bảo sinh viên sư phạm được chi trả kinh phí theo đúng quy định. Không để tình trạng người học không được hưởng hoặc chậm hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.