Chính sách hỗ trợ phải tránh tình trạng 'doanh nghiệp không chịu lớn'

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân phải đảm bảo hài hòa lợi ích, khuyến khích hộ gia đình chuyển sang mô hình doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ vươn lên thành doanh nghiệp lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ

Phát biểu tại tổ về dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân chiều nay, 15/5, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra cơ chế đột phá cho kinh tế tư nhân. Theo Phó Thủ tướng, Hàn Quốc trước đây cũng giống Việt Nam, nhưng sau đó họ đã xây dựng được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Lotte, Posco… đều phát triển rất mạnh và đứng đầu thế giới.

Từ bài học này, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần tạo cơ chế thông thoáng và ưu đãi để phát triển kinh tế theo định hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) khẳng định, các doanh nghiệp đang rất vui mừng và kỳ vọng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân sẽ giúp khu vực này có sự đột phá. Dù vậy, để Nghị quyết dễ đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ và chi tiết hơn. Theo đại biểu, thực tế thời gian qua, mặc dù một số luật đã đưa ra các ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân (ví dụ như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) song thực tế rất ít doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như trong Luật quy định.

Với góc nhìn từ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Như So, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam đánh giá rất cao dự thảo.

“Dự thảo Nghị quyết cho thấy tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, với cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, thuế, tín dụng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Đây là bước đi rất đáng ghi nhận, thể hiện kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài”, đại biểu Nguyễn Như So khẳng định.

Dù vậy, để đại biểu đề xuất, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp (tại khoản 1 Điều 10), để tạo “không gian tài chính” đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bởi lẽ, việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tích lũy nội lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp này phải đầu tư lớn và kéo dài, suốt quá trình đó họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao, thậm chí có thể không có lãi trong 5 - 7 năm đầu. Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn hình thành và tích lũy nội lực ban đầu, thay vì dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn.

Ông cũng đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nhiều đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo đã đưa ra nhóm chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ một mặt xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đồng thời trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết của Quốc hội về triển khai những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đối tượng của Nghị quyết do Quốc hội ban hành là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trong quá trình ban hành các cơ chế, chính sách, cơ quan soạn thảo phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân cũng như giữa các đối tượng chịu ảnh hưởng với nhau.

Đơn cử, khi xây dựng chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho hộ kinh doanh, cơ quan soạn thảo phải tính toán, nghiên cứu kỹ, đảm bảo mỗi đối tượng đều có chính sách hỗ trợ phù hợp và có thể khuyến khích tất cả các hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cũng phải có chính sách để tránh tình trạng doanh nghiệp “không muốn lớn”, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ chuyển sang doanh nghiệp vừa và lớn. Vì vậy, chính sách cũng phải hỗ trợ cả doanh nghiệp vừa và lớn.

“Phải có những quy định rõ ràng hơn trong ứng xử với hộ kinh doanh để tránh bị lợi dụng và giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn", Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính chất cấp bách và cần phải tháo gỡ ngay nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ này.

Còn với các nhiệm vụ, giải pháp cần thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật trong chương trình Kỳ họp này, Chính phủ giao cho các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật để rà soát, thể chế hóa ngay tại dự thảo luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng và chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao cho các cơ quan để nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật; hoặc trình Quốc hội để ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chinh-sach-ho-tro-phai-tranh-tinh-trang-doanh-nghiep-khong-chiu-lon-d284189.html
Zalo