Chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ số cần trọng tâm, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật
Vừa qua, tại hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số' do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia tán thành cao sự cần thiết xây dựng và ban hành luật chuyên ngành để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số đồng thời kiến nghị, chính sách hỗ trợ lĩnh vực này cần trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đồng bộ, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan chủ trì soạn thảo), công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh, từ năm 2015-2023 tăng trưởng khoảng 11%/năm. Năm 2023, doanh thu ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển công nghệ; thu hút, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu vào Việt Nam.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến gồm 8 chương, 73 điều, quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; bảo đảm, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.
Tán thành cao sự cần thiết xây dựng và ban hành 1 luật chuyên ngành về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế về công nghiệp công nghệ số. Do đó, Luật Công nghiệp công nghệ số cần được nghiên cứu, xây dựng để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Tại dự thảo luật đã quy định về các chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là một trong những nội dung quan trọng, được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng chỉ dẫn chiếu đến các ưu đãi tại các Luật Đầu tư, các Luật về thuế, Luật Đất đai… để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong đó, quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với một số dự án có tính chất đặc thù theo quy mô vốn đầu tư và quy định rõ thời hạn giải ngân vốn đầu tư đảm bảo đồng bộ với nội dung trong các Luật hiện hành, đang trong quá trình sửa đổi. Song song với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quan tâm góp ý nội dung này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải xác định Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hay là luật tổng hợp để hỗ trợ, thúc đẩy, bổ trợ cho các ngành nghề khác. “Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì dự luật này có thể được coi là một luật chuyên ngành. Theo đó, công nghiệp công nghệ số được coi là một ngành công nghiệp nền tảng, như vậy, có cơ sở chính trị để coi Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hơn là một luật mang tính chất tổng hợp...”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đối với quy định về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, trong các luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai,… đã có nhiều quy định ưu đãi. Vì vậy, việc quy định tại dự thảo Luật phải phù hợp, đảm bảo tính thống nhất tránh chồng chéo, trùng lắp. Theo đó, cần thống nhất, xác định rõ hơn nội hàm và phạm vi hỗ trợ, ưu đãi đối với lĩnh vực này. “Đơn cử, trong khu công nghiệp công nghệ số có bao gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp phụ trợ trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của lĩnh vực có được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ hay không?...”, TS. Cấn Văn Lực nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định vượt trội hơn cho các dự án về công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nên quy định rõ lộ trình, tổng thể các chính sách hỗ trợ đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn triển khai áp dụng. Đồng thời, quan tâm tới chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao về miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ visa;…
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý đến quy định liên quan đến hỗ trợ tài chính, bảo đảm hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong đó, về tài chính phải có nguồn lực nhà nước, cân nhắc việc thành lập quỹ hỗ trợ; tiến tới đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm;…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Tập đoàn Gits, dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin bày tỏ băn khoăn đối với quy định về các chính sách ưu đãi đặc biệt là ưu đãi thuế hiện nay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Hữu Quang chia sẻ, cần làm rõ hơn chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực chất lượng cao; chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng này. Thực tế hiện nay nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao thường có xu hướng đầu quân, làm việc tại các công ty quốc tế để hưởng mức lương cao và ưu đãi thuế. Do đó, việc thu hút nguồn nhân lực này tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang gặp khó khăn.
Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế thu nhập, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết, khi 1 doanh nghiệp thành lập đã được cấp phép, các sản phẩm công nghệ cũng thuộc danh mục phần mềm được cấp phép theo quy định tuy nhiên khi quyết toán thuế vẫn gặp nhiều vướng mắc do cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Do vậy, đề nghị đưa vào luật quy định cụ thể để doanh nghiệp trong trường hợp đăng ký thành lập xác định có thuộc ưu đãi thuế hay không?
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Quang cũng bày tỏ lo lắng về khả năng cạnh tranh, sự bảo hộ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và đề nghị dự thảo luật có nội dung quy định cụ thể.
Nêu quan điểm về ưu đãi thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, tại dự thảo Luật đã có quy định về ưu đãi thuế. Tại các điều khoản này, quy định liên quan đến thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, một số chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp như chi phí khấu hao tài sản cố định, chi hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Nhấn mạnh xu hướng xây dựng pháp luật hiện hành, về nguyên tắc các quy định đối với thuế sẽ được quy định tại luật chuyên ngành, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cùng với việc xây dựng điều khoản ưu đãi thuế, tiền thuê đất tại Luật Công nghiệp công nghệ số cần chủ động bổ sung quy định các nội dung ưu đãi tương ứng với Luật thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ của các luật chuyên ngành. “Đối với thuế giá trị gia tăng, Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), hiện đang tổng hợp ý kiến trình Quốc hội sẽ không áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu. Vì vậy ,sẽ ảnh hưởng đến công nghệ số, phầm mềm. Do đó, cần đề xuất cho sản phẩm công nghệ số, phần mềm xuất khẩu được tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu dùng ngoài Việt Nam…”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc lưu ý.
Bên cạnh đó, liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành không có quy định về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho tất cả các cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công tại các tổ chức chi trả, các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Do đó, đề xuất ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong dự thảo Luật là không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, nếu muốn thực hiện ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân phải đề xuất thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 và áp dụng cho cả lĩnh vực công nghệ số.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, việc ưu đãi các chính sách thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển, vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi đảm bảo đồng bộ với các Luật chuyên ngành về thuế.
Ngoài ra, cho rằng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể được coi là một dạng ưu đãi đối với ngành công nghiệp công nghệ số, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế VCCI lưu ý, cần cân nhắc về cơ chế, tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Đồng thời, quá trình thực hiện, phải đảm bảo công bằng, bình đẳng, công khai để các doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau khi tham gia vào cơ chế thử nghiệm.
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đang được cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực hoàn thiện Hồ sơ, dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9./.