Chính sách hỗ trợ năng lượng điện tái tạo chưa rõ

Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Nghệ An), các đại biểu lưu ý tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, chưa rõ ràng, đặc biệt là các chính liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích năng lượng điện tái tạo.

Bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phạm vi sửa đổi luật chưa nên sửa toàn diện mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

 ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi). Ảnh H.Ngọc

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi). Ảnh H.Ngọc

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

Cụ thể, tại khoản 4, Điều 11 và Điều 12, dự thảo luật quy định trường hợp có sai sót về các thông tin của dự án trong quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực, Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “đính chính” nội dung sai sót. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, Luật Quy hoạch hiện nay không có quy định về trình tự, thủ tục “đính chính” nội dung của quy hoạch và dự thảo Luật cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nên không có cơ sở để thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng không làm rõ việc “đính chính” là sai sót về kỹ thuật hay có thể ảnh hưởng đến nội dung quy hoạch; nếu có thay đổi nội dung quy hoạch thì cần xem xét thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, tránh việc quy định không rõ có thể gây sơ hở, lỏng lẻo trong áp dụng pháp luật về điều chỉnh quy hoạch.

Tại Điều 15, dự thảo luật quy định về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó quy định thẩm quyền bổ sung dự án, thay thế các dự án bị chậm tiến độ, thay đổi quy mô công suất các dự án, điều chỉnh tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch.

Đại biểu đề nghị rà soát, làm rõ việc điều chỉnh “bổ sung dự án”, “thay thế dự án bị chậm tiến độ”, “thay đổi quy mô công suất các dự án điện”, điều chỉnh “tiến độ dự án trong thời kỳ quy hoạch” trong kế hoạch thực hiện quy hoạch được thực hiện theo cơ sở pháp lý nào để bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan về thẩm quyền bổ sung, thay thế, điều chỉnh tiến độ dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đại biểu cũng chỉ rõ, tại điểm h, khoản 2, Điều 17 dự thảo luật quy định: “Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định tại điểm e hoặc điểm g khoản này, Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thay thế dự án bị chậm tiến độ bằng dự án khác theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Luật này”, dẫn đến cách hiểu quy định tại khoản 2, Điều 15 dự thảo luật là quy định về thẩm quyền bổ sung, thay thế, điều chỉnh dự án chứ không phải quy định về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Chưa có yêu cầu đối với các bên liên quan tham gia vào thị trường điện

ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là dự án luật rất khó, quan trọng, trong khi đó nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo luật còn chung chung, khó thực hiện, do vậy cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị chu đáo hơn để bảo đảm tính khả thi của luật.

Liên quan đến hoạt động mua bán điện và thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đặt câu hỏi, điện nước ta đã thực sự cạnh tranh chưa hay độc quyền. Trong dự thảo luật đã đề cập đến cạnh tranh trong mua bán, phát điện, truyền tải điện, bán lẻ điện, song quy định rất khó thực thi. Ví dụ, chúng ta đã có hợp tác xã bán lẻ điện nhưng không bảo đảm về hệ thống truyền tải và công tác quản lý. Dự thảo luật cũng chưa đề cập đến yêu cầu với các bên liên quan khi tham gia thị trường điện.

Theo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), năng lượng điện tái tạo là một trong những giải pháp để thay thế nguồn điện truyền thống, giảm phát thải khí nhà kính. Trong cơ cấu phần trăm của Quy hoạch điện VIII thì đến năm 2030, năng lượng điện tái tạo sẽ chiếm từ 30 - 39%; đến năm 2050 sẽ chiếm 67 - 70%. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền chỉ ra, trong dự thảo luật, các chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, chưa rõ ràng, đặc biệt là các chính liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích năng lượng điện tái tạo.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-ho-tro-nang-luong-dien-tai-tao-chua-ro-post394460.html
Zalo