Chính sách giống nhau, tác động khác nhau
Chỉ vài ngày sau động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản. ECB và FED đưa ra lập luận khá giống nhau để biện giải cho quyết sách mới trong chính sách tiền tệ của họ.
Theo đó, cả hai đều viện dẫn tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và trong Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giảm xuống xấp xỉ mức độ chỉ tiêu 2% và khá ổn định ở mặt bằng thấp, mức độ tăng trưởng kinh tế không cao nhưng chưa xuất hiện nguy cơ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khá cao.
Nói cách khác, cả ECB lẫn FED đều cho rằng, giờ là lúc có thể tiếp tục giảm lãi suất cơ bản (đối với ECB là vì ECB đã chuyển từ chính sách tăng sang giảm lãi suất cơ bản từ hồi tháng 7 năm nay) và có thể bắt đầu giảm lãi suất cơ bản (đối với FED) mà không phải lo ngại gì về nguy cơ lạm phát tăng, trong khi có thể hậu thuẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
Việc ECB và FED giảm lãi suất cơ bản đều đã được thị trường mong đợi và dự báo từ trước. Dù vậy, điều gây bất ngờ không nhỏ là mức độ giảm lãi suất cơ bản của ECB và FED đều cao hơn hẳn so với thông lệ lâu nay.
Việc FED bắt đầu giảm lãi suất cơ bản được để ý đến nhiều hơn quyết sách tương tự của ECB. Nguyên do là tác động và hiệu ứng chính trị rất khác nhau.
Xưa nay, những quyết sách của ECB về chính sách tiền tệ gần như không liên quan gì đến diễn biến tình hình nội trị ở đại đa số các nước thành viên EU. Nhưng đối với FED thì lại rất khác.
Hiện tại, nước Mỹ cách ngày bầu cử tổng thống mới chỉ còn có một tháng rưỡi mà kết cục thật sự rất khó có thể dự đoán được. Cả cựu Tổng thống Donald Trump lẫn Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris đều có cơ hội đắc cử và nguy cơ thất cử như nhau.
Ông Trump đã lên tiếng yêu cầu FED không quyết định giảm lãi suất trước ngày bầu cử, vì thế người này cùng phe cánh rất thất vọng khi FED quyết định giảm lãi suất cơ bản.
Phe ông Trump và phía bà Harris khai thác tác động chính trị của việc FED quyết định giảm lãi suất cơ bản theo hai hướng rất khác nhau.
Phía ông Trump nhấn mạnh rằng, vì thực trạng và triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ rất tồi tệ nên FED mới phải bắt đầu chuyển sang chính sách hạ lãi suất cơ bản và giảm lãi suất cơ bản nhiều đến như vậy. Quan điểm này đồng nghĩa với việc cho rằng chính sách kinh tế của chính quyền đương nhiệm mà bà Harris là thành viên rất tồi tệ.
Trong khi đó, phía bà Harris lại biện luận rằng, lạm phát thấp nên FED mới có thể quyết định giảm lãi suất cơ bản, tức là áp lực về lãi suất cao không còn, chính sách tiền tệ có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đó là thành tựu của chính phủ cầm quyền.
Ông Trump cáo buộc FED làm chính trị và tác động tới cuộc bầu cử tổng thống. Quyết sách của FED có thể có nhưng cũng có thể không tác động tiêu cực tới cơ may đắc cử của ông Trump.
Hồi năm 1992, FED giảm lãi suất cơ bản ngay trước ngày bầu cử tổng thống nhưng rồi tổng thống đương nhiệm George H.Bush vẫn thua ông Bill Clinton.
Dù vậy, việc FED lần đầu tiên giảm lãi suất cơ bản từ hơn 4 năm nay và lại còn giảm mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ năm 2008 vẫn là tác nhân mới với tác động hiện chưa thể lường hết được tới kết cục cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.
Quyết sách của ECB và FED có thể không khác biệt nhau nhiều về hiệu ứng kinh tế, nhưng rất khác nhau về hiệu ứng chính trị và xã hội, đối với Mỹ và EU.