Chính sách 'giảm kép' của Trung Quốc về dạy thêm: Giải quyết tận gốc việc dạy thêm
Đánh giá sau hơn 3 năm thực hiện chính sách 'giảm kép' cho thấy, chính sách này ban đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Song do nhu cầu học thêm của các gia đình quá lớn, đã xuất hiện tình trạng dạy chui với các cơ sở, tổ chức dạy thêm trá hình. Các chuyên gia cho rằng, chừng nào còn các kỳ thi khốc liệt chừng đó các gia đình sẽ còn nhu cầu luyện thi và có cầu sẽ có cung, dù ở hình thức nào.
Từ công khai trở thành ngành "công nghiệp ngầm”
Sau khi chính sách giảm kép được áp dụng, hàng loạt trung tâm dạy thêm phải đóng cửa hoặc chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, không trung tâm mới nào được cấp phép. Trường học cũng phải giảm bớt bài tập về nhà hàng ngày. Ông Hou Yuxin, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu đánh giá, "giảm kép" nhằm "khôi phục giáo dục như một lợi ích công cộng", để học sinh có cơ hội phát triển công bằng.

Học sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi Cao khảo. Nguồn: Reuters
Tuy vậy, nhu cầu học thêm quá lớn đã khiến hoạt động dạy thêm trở thành ngành "công nghiệp ngầm" và đẩy học phí lên cao ngất ngưởng. Lo con cái tụt hậu trong cuộc đua, các bậc cha mẹ Trung Quốc lén đưa con đến lớp học thêm chui, dù học phí đắt gấp 10 lần so với trước khi áp dụng chính sách.
Yuan Mei, mẹ của một nam sinh 15 tuổi, ban đầu cảm thấy chính sách "giảm kép" đã giúp họ cất được gánh nặng đáng kể, cả về tâm lý lẫn tài chính. Cô nghĩ rằng chỉ cần học trên lớp, con trai mình sẽ vượt qua kỳ thi trung khảo (thi vào trung học phổ thông). Thế nhưng, nỗi lo con trai bị tụt hậu việc học cũng dần xuất hiện với cô khi các kỳ thi đến gần.
Đánh vào tâm lý lo sợ thua thiệt của phụ huynh, một trung tâm dạy thêm ở Trung Quốc, nổi tiếng với khẩu hiệu trong quảng cáo: "Hãy để chúng tôi đào tạo con bạn. Nếu không chúng tôi sẽ đào tạo đối thủ của con bạn". Đây là cách họ đánh vào nỗi lo bị trượt trong cuộc đua khốc liệt của các kỳ thi ở Trung Quốc với tỷ lệ “chọi” rất lớn. Li Miao, người từng đảm nhận vị trí chào bán các khóa học thêm, cho biết các trung tâm thường đánh vào sự lo lắng của phụ huynh. Ngay cả khi hoạt động dạy thêm bị cấm, nỗi lo lắng này vẫn tồn tại, thậm chí phụ huynh còn lo lắng hơn nữa khi nghĩ rằng không học thêm, con em họ sẽ bị tụt lại phía sau.
Trong khi đó, việc mọc lên các trung tâm dạy chui đã khiến học phí đắt đỏ hơn, đồng thời làm tăng khoảng cách giữa những học sinh có và không học thêm. Những điều này đều đi ngược lại với mục đích ban đầu của chính sách.
Trong khi các lớp học nhóm phải ngừng hoạt động, học phí gia sư 1 - 1 ngày càng tăng. Tại các thành phố hàng đầu như Bắc Kinh và Thượng Hải, một giờ học gia sư riêng tốn khoảng 3.000 NDT. Con số này đã tăng ít nhất 10 lần so với trước đây, tương đương một phần tư mức thu nhập trung bình của dân công sở.
Vì vậy, anh Gong Erkang, đã không cho hai đứa con lớp một và lớp năm của mình học thêm nữa. Phí học thêm hàng tháng trước kia tốn khoảng vài trăm nhân dân tệ, nhưng giờ, mỗi buổi đắt gấp vài lần. Theo anh Gong, chính sách "giảm kép" ảnh hưởng đến những gia đình trung lưu nhiều nhất, còn "người giàu sẽ luôn tìm ra cách".
Nhìn tận gốc vấn đề
Cuộc đua ngầm trên thị trường học thêm được cho là sẽ tiếp diễn mà theo các chuyên gia, gốc rễ của vấn đề là tình trạng cạnh tranh khốc liệt của môi trường học tập.
Năm 2024, có 13,42 triệu thí sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi Cao khảo - kỳ thi tuyển sinh đại học. Kỳ thi Cao khảo 2024 được đánh giá là "khốc liệt bậc nhất trong lịch sử" vì đây là năm đầu tiên số lượng thí sinh tham gia kỳ thi này vượt mốc 13 triệu người (tăng 510.000 người so với năm trước). Riêng số lượng học sinh thi lại rơi vào khoảng 4,13 triệu người. Kỳ thi Cao khảo thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm, được xem là cột mốc mang tính quyết định đối với học sinh của đất nước hơn tỉ dân. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những kỳ thi đại học có tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới.
Thực tế cho thấy điểm thi vào trường trung học phổ thông của một học sinh sẽ quyết định người đó sẽ tiếp tục con đường học thuật hay vào các trường dạy nghề. Trong đó, những học sinh có điểm số không cao sẽ vào trường dạy nghề và học kỹ năng như cơ khí, điện, làm tóc… Đối với nhiều phụ huynh, đây là sự lựa chọn "không có tương lai", vì các trường dạy nghề từ lâu đã không được xem trọng ở Trung Quốc. Năm ngoái, với mong muốn nâng cao hình ảnh của các trường dạy nghề, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông quan trọng như nhau và nước này khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn giữ nguyên quan điểm “học nghề không thể sánh bằng học đại học".
Chen Zhiqin, một nhà phát triển phần mềm giáo dục - cho rằng, nếu cơ chế tuyển chọn nhân tài của đất nước không thay đổi, cuộc cạnh tranh "lén lút" này sẽ tiếp diễn. Rất ít trẻ em thật sự cần học thêm. Thế nhưng, nhiều trung tâm dạy thêm ép học sinh học vượt chương trình trước mỗi kỳ thi vào trung học và đại học. Chuyên gia này cũng cho rằng học sinh có những xuất phát điểm khác nhau ngay từ tiểu học và bọn trẻ bị cuốn vào "cuộc đua không phù hợp với mình".
Các chuyên gia cho rằng, trọng tâm của giải pháp không phải chỉ nằm ở việc cấm dạy thêm mà cần thay đổi cách thiết kế hệ thống giáo dục để giảm thiểu áp lực cạnh tranh điểm số cho học sinh, trong đó cần tập trung cải cách các kỳ thi, chuyển đổi cách đánh giá học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học. Trung Quốc vẫn duy trì hệ thống kỳ thi tuyển sinh, trong đó các trường trung học và cao đẳng tuyển sinh học sinh dựa trên điểm số từ các bài kiểm tra một lần một năm đang còn phổ biến. Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc nổi tiếng là cạnh tranh, với hơn 10 triệu thí sinh tham gia mỗi năm. Chừng nào còn các kỳ thi và còn tồn tại quan điểm cho rằng, vào được một trường đại học ưu tú đồng nghĩa có nhiều cơ hội hơn để bảo đảm một công việc được trả lương cao, chừng đó nhu cầu luyện thi ở các trung tâm dạy thêm vẫn còn mạnh mẽ.