Chính sách gia hạn, giảm thuế đã 'ngấm' vào doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất từ đầu năm 2024 hiện đã 'ngấm' vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Những chính sách gia hạn, giảm thuế, phí trong thời gian qua đã kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh tư liệu

Những chính sách gia hạn, giảm thuế, phí trong thời gian qua đã kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh tư liệu

PV: Từ đầu năm 2024 đến nay nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, ông đánh giá thế nào về những chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất tác động đến doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đánh giá rất cao các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất, vì đây là những khoản tiền mà doanh nghiệp tính toán được ngay để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng thêm nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp một cách tức thời, giảm được các khoản chi cho doanh nghiệp, việc này cũng được Bộ Tài chính đánh giá và xem xét qua phản ánh của các doanh nghiệp thời gian qua.

Có thể thấy, trong 8 tháng năm 2024, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực cho các tháng tiếp theo. Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng 8,6%; Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi và tăng trưởng khởi sắc, tăng 16,7% so với cùng kỳ.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,9 - 7,1%

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Cập nhật các số liệu và tình hình thực tế, kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7,3% nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu dao động ở mức thấp, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn... Dự báo, trước ảnh hưởng của bão lũ, tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn có thể đạt được mức 6,9 - 7,1%.

Thêm vào đó, tính chung 8 tháng năm 2024, cả nước có 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước…

Tôi cho rằng, những chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất trong thời gian qua đã kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

PV: Mới đây, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương nơi có các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra triển khai hướng dẫn miễn giảm thuế. Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách này trong hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Cơn bão số 3 đã tác động rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại rất lớn cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp trên diện rộng. Vì vậy, việc khắc phục bão lũ là một trong những mục tiêu rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để tiếp tục giữ đà phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ ngay lập tức chỉ đạo và quán triệt các bộ, ngành cho đến chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân. Bộ Tài chính đã có các chính sách xem xét miễn giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương nơi có các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra triển khai hướng dẫn miễn giảm thuế. Các chính sách này được ban hành, thực hiện kịp thời giúp cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để khắc phục vượt qua những khó khăn và quay lại hoạt động một cách nhanh nhất, để có thể tiếp tục thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra và đóng góp cho tăng trưởng.

PV: Theo ông, bên cạnh những chính sách gia hạn, miễn giảm thuế đối với người nộp thuế bị gặp thiên tai, thì cần chú trọng những chính sách gì để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây ra ngập lụt, đời sống của người dân nhiều nơi rất khó khăn. Cho nên, việc đầu tiên phải đảm bảo đời sống sớm trở lại bình thường, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét cung cấp hàng hóa thiết yếu đáp ứng yêu cầu của người dân, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào bị thiệt hại, chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ, cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các đối tác, các nguồn lực để bổ sung nguyên vật liệu đáp ứng yêu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký kết là rất quan trọng. Nhất là đối với các doanh nghiệp ở lĩnh vực như: dệt may, da giầy, nông nghiệp… thường có những hợp đồng có thời hạn, khối lượng lớn nên rất cần có sự hỗ trợ để thực hiện các đơn hàng đó, không bị phạt hợp đồng và đáp ứng được yêu cầu thị trường, cũng như yêu cầu xuất khẩu…

Bên cạnh đó, sau bão lũ có thể làm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, cũng như nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh thiếu hụt. Để bình ổn, Nhà nước cần chuyển kịp thời hàng hóa từ khu vực không bị bão lụt đến các vùng bị ảnh hưởng, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân được ổn định. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý giá, quản lý thị trường đảm bảo giá cả không tăng đột biến trong thời gian sau bão lũ.

Ngoài ra, cần đầu tư khắc phục ngay những công trình giao thông bị hư hỏng do bão lũ; sửa chữa và xây dựng mới các công trình điện; đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn, miền núi mới phục vụ người dân ở các khu tái định cư. Có chính sách hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% cho các doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại nặng nề do bão lũ; các cơ quan nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đẩy nhanh cải cách thể chế, giảm chi phí cho doanh nghiệp

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất ở các tỉnh phía Bắc, làm giảm mức độ tăng trưởng, theo tính toán khoảng 0,18% - 0,2%.

Cùng với đó, những thách thức như áp lực lạm phát còn lớn, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chậm được cải thiện, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp Việt nhằm thích ứng với các xu hướng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khả năng tận dụng cơ hội kinh tế chưa cao.

Mặc dù có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó cũng cho thấy, những rủi ro, thách thức còn rất nhiều. Để có thể giữ đà tăng trưởng, cần chính sách linh hoạt ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có các ứng phó kịp thời với các rủi ro và tận dụng được cơ hội của xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài; có lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý để kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong bão, lũ vừa qua, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp ổn định phát triển, đóng góp cho nền kinh tế.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-gia-han-giam-thue-da-ngam-vao-doanh-nghiep-160948.html
Zalo