Chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp với thực tiễn

Theo đại biểu, việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại.

Yêu cầu tất yếu, khách quan

Sáng 17/2/2025, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông cho biết, có một cử tri trẻ gửi tin nhắn cho ông tại Kỳ họp thứ 8 trước khi ấn nút thông qua chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rằng: “Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn, xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước”.

Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, hiện nay nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có nhiều động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon.

Một số quốc gia đang có chương trình hạt nhân tập trung vào xây dựng và nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân để tăng công suất, sản xuất điện. Nhiều quốc gia xem xét triển khai năng lượng hạt nhân như nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thải carbon.

Sự phát triển đó trên toàn cầu đã chứng minh cho tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc giảm phát thải và khẳng định vai trò của nó trong an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.

"Do đó, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh của Việt Nam thì sự phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật" - đại biểu nhấn mạnh.

Chính sách đột phá để phát triển

Trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế của đất nước và tính chất đặc thù của nhà máy điện hạt nhân, ông Dương Khắc Mai cho rằng, việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại, là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân, cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển của Việt Nam.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đây là điều kiện phát triển nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh và an ninh năng lượng quốc gia đang đặt ra các vấn đề mới, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết mà Việt Nam tham gia vào Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)

Tán thành với các kiến nghị của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu đoàn Đắk Nông cũng cho hay, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và tích cực thì dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng. Cụ thể, như vấn đề tài chính, công nghệ, và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.

Đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu đặc thù phức tạp, trong khi phải nhìn nhận thực tế là trình độ nước ta có thể nói chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan.

Do đó, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, cộng với đó là vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy.

Ông Mai chia sẻ, rất nhiều nhân lực chúng ta từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.

"Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp, đặc biệt, sẽ khó triển khai thực hiện, vận dụng, vận hành dự án trong nước trước mắt và dài hạn" - ông Mai nói.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân trong nước để tham gia vào dự án để giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.

Từ đó, đảm bảo hoàn thành tiến độ của dự án, hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực làm chủ công nghệ, tự chủ vận hàng nhà máy trong thời gian sớm nhất, để dự án cùng với các công trình dự án lĩnh vực khác, đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đi đến thắng lợi.

Ngoài ra, góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu tán thành cao và nhận thấy đây là một chủ trương hết sức cần thiết. Theo đó, đề nghị cần có cơ chế mạnh, tạo không gian cho các chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo để khơi dậy tiềm năng, trí tuệ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này trong thời gian sắp tới.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024 về việc “Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Thực hiện các chủ trương trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ban, ngành khẩn trương triển khai thực hiện các công việc cần thiết nhằm sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030-2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 121 ngày 6/2/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 8/2/2025, Chính phủ đã có Tờ trình số 74, trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù là rất cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-dac-thu-cho-dien-hat-nhan-ninh-thuan-phu-hop-voi-thuc-tien-374148.html
Zalo