Chính sách công nghiệp quốc gia: Xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam

Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại sự kiện. Ảnh Minh Dũng/BNEWS/TTXVN

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại sự kiện. Ảnh Minh Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng 20/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng CIEM, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, những xu hướng mới đòi hỏi chính sách công nghiệp của Việt Nam cũng phải có sự thích ứng. Trong số đó, thích ứng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết. “Những kết quả trao đổi ngày hôm nay sẽ giúp gợi mở tư duy về chính sách công nghiệp mới, kiến nghị nhiều nội dung để hoàn thiện chính sách công nghiệp, để nền kinh tế tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, bà Minh cho hay.

Trình bày công bố kết quả nghiên cứu “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

“Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Anh Dương cho hay.

Với tư duy đó, CIEM đã thực hiện nghiên cứu và xây dựng báo cáo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”. Báo cáo hướng tới ba mục tiêu chính; đó là: phân tích cơ sở lý luận và các xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới; đánh giá mức độ thích ứng với các xu hướng mới của chính sách công nghiệp tại Việt Nam; và đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số sẽ tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, gắn với động lực cho doanh nghiệp khai thác giá trị từ các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo trong, cũng là một hướng đi quan trọng để chuyển đổi khu vực công nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “hiện đại hóa”.

Theo đó, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các hiệp định thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Dũng/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích các định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động. Cùng với đó, các khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo đó, báo cáo kiến nghị tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu. Những đóng góp này khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn cao của báo cáo trong việc định hình chiến lược công nghiệp quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại và bền vững.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho hay, các bộ, ngành đang nỗ lực xây dựng luật để thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt. Sau Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, chúng ta phải hỗ trợ các doanh nghiệp. “Để có thể hỗ trợ và làm tốt công việc này, Việt Nam cần phải đột phá và bắt kịp các nước”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận sâu về xu hướng chính sách công nghiệp trên thế giới, đánh giá thực trạng tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Minh Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-cong-nghiep-quoc-gia-xu-huong-moi-va-tam-nhin-cho-viet-nam/357424.html
Zalo