Chính sách BHXH cần linh hoạt, hấp dẫn
Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024, trong đó có nhiều điểm mới về BHXH tự nguyện.
Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH nhấn mạnh việc cải cách hệ thống BHXH để đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội. Mục tiêu chung của nghị quyết là xây dựng một hệ thống BHXH bền vững, công bằng, hiệu quả và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu cụ thể là mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là các nhóm lao động ngoài khu vực nhà nước; phát triển quỹ BHXH vững mạnh; bảo đảm quyền lợi và sự công bằng giữa các nhóm đối tượng tham gia.
Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024, trong đó có nhiều điểm mới về BHXH tự nguyện. Chẳng hạn, bổ sung đối tượng chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; người tham gia có thể lựa chọn hưởng BHXH một lần (trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng. Việc bổ sung này nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân, nhất là nhóm lao động trẻ tuổi, tham gia.
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người làm nghề tự do, nông dân… Họ có thu nhập không ổn định nên không sẵn sàng chi trả thêm khoản tiền đóng bảo hiểm. So với thu nhập trung bình của người lao động tự do, mức đóng BHXH tự nguyện dù linh hoạt nhưng vẫn là khoản chi phí khá lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Cải cách chính sách BHXH là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững mạnh, công bằng, hiệu quả, đồng thời tạo cơ hội để mọi người dân đều được bảo vệ quyền lợi khi tham gia BHXH.
Để BHXH tự nguyện thu hút được nhiều người dân tham gia, theo các chuyên gia, cần có một chiến lược đồng bộ, bao gồm việc cải thiện nhận thức cộng đồng, đơn giản hóa thủ tục, giảm mức đóng và cung cấp thêm ưu đãi, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và bền vững của hệ thống BHXH. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính linh hoạt. Đơn cử, giảm mức đóng hoặc cho phép đóng BHXH tự nguyện một lần cho cả năm hay từng kỳ hạn để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tham gia; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các nhóm đối tượng khó khăn để giúp họ giảm gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để người dân có thể vay tiền đóng BHXH tự nguyện, nhất là với người lao động có thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, thiết kế các gói bảo hiểm với mức đóng thấp, dễ tiếp cận, phù hợp với các nhóm đối tượng, giúp họ dễ dàng tham gia BHXH tự nguyện mà không gặp phải gánh nặng tài chính.
Một trong những mục tiêu cần hướng đến trong việc cải cách chính sách BHXH là tạo sự liên kết giữa BHXH tự nguyện với các chính sách xã hội khác. Cụ thể, kết hợp BHXH tự nguyện với các chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, trợ cấp cho người già, trợ cấp y tế cho người khó khăn…, nhằm tạo động lực cho đông đảo người dân tham gia và cảm thấy có sự bảo vệ toàn diện.