Chính quyền Syria mới muốn duy trì mối quan hệ tôn trọng với Iran và Nga
Lãnh đạo mới của Syria bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau với Iran và Nga, đồng thời kêu gọi các quốc gia này không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.
Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL), lãnh đạo mới của Syria Ahmad al-Sharaa nói với kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) ngày 29/12 rằng chính quyền mới của quốc gia Arab này muốn có quan hệ với Iran và Nga, nhưng ông nhấn mạnh rằng bất kỳ mối quan hệ nào cũng phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Nga và Iran là đồng minh lớn của Syria thời chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cho đến khi nhà lãnh đạo này bị phe đối lập lật đổ vào đầu tháng 12 vừa qua.
"Syria không thể tiếp tục nếu không có mối quan hệ với một quốc gia quan trọng trong khu vực như Iran", ông Sharaa trả lời phỏng vấn với Al Arabiya.
Ông Sharaa cũng hối thúc Tehran xem xét lại các chính sách và biện pháp can thiệp trong khu vực và chỉ ra rằng lực lượng đối lập đã bảo vệ các vị trí của Iran trong quá trình lật đổ chính quyền Assad, mặc dù họ biết rằng Iran là nước hậu thuẫn chính cho ông Assad. Nhà lãnh đạo mới của Syria cho biết thêm ông đang mong đợi những động thái tích cực từ Iran.
Ông Sharaa nói thêm rằng dù mong đợi Nga rút quân khỏi Syria, ông cũng nói về lợi ích chiến lược sâu sắc với Nga.
"Chúng tôi không muốn Nga rời khỏi Syria theo cách làm suy yếu mối quan hệ với đất nước chúng tôi. Tất cả vũ khí của Syria đều có nguồn gốc từ Nga và nhiều nhà máy điện được quản lý bởi các chuyên gia Nga. Chúng tôi không muốn Nga rời khỏi Syria theo cách mà một số người mong muốn", ông Sharaa nói với Al-Arabiya.
Ông Sharaa nói thêm rằng mối quan hệ này phải dựa trên tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Phương Tây cũng đang theo dõi chặt chẽ các hành động của nhà cầm quyền mới, bao gồm cả mức độ sâu sắc của bất kỳ mối quan hệ nào trong tương lai với Tehran và Moskva.
Cảng Tartus của Syria là cơ sở quan trọng cho các hoạt động quân sự của Nga tại Syria và khắp Trung Đông và Địa Trung Hải.
Theo dữ liệu chuyến bay được RFE/RL phân tích, Nga đang giảm hiện diện quân sự tại Syria và chuyển một số tài sản từ quốc gia Trung Đông này sang châu Phi.
Để bù đắp cho khả năng mất căn cứ không quân ở Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus, Nga dường như đang tăng cường hiện diện ở Libya, Mali và Sudan.
Trong khi đó, ông Sharaa cũng cho biết việc tổ chức bầu cử ở Syria có thể mất tới bốn năm và việc hoàn thiện hiến pháp mới có thể mất ba năm.
Nhà lãnh đạo mới của Syria cũng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump - dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1/2025 - sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Damascus.
"Chúng tôi hy vọng chính quyền ông Trump sắp tới sẽ không đi theo chính sách của người tiền nhiệm", ông Sharaa nói.
Ông Sharaa cũng đã công khai cam kết áp dụng các chính sách ôn hòa liên quan đến quyền phụ nữ, hòa giải dân tộc và quan hệ với cộng đồng quốc tế, mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới cho biết họ vẫn cảnh giác với những người lãnh đạo mới trong khi chờ đợi các hành động cụ thể.