Chính quyền ông Trump đổi ý, khôi phục chính sách thị thực cho du học sinh nước ngoài
Ngày 25/4, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ khôi phục tình trạng pháp lý cho toàn bộ du học sinh quốc tế có hồ sơ bị hủy trong những tuần gần đây.
Phát biểu tại phiên điều trần tại Tòa án Liên bang khu vực Bắc California, bà Elizabeth D. Kurlan, luật sư đại diện Bộ Tư pháp, cho biết hệ thống quản lý sinh viên nước ngoài (SEVIS) sẽ được kích hoạt trở lại cho đến khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) “xây dựng một chính sách mới nhằm xác lập khuôn khổ cho việc chấm dứt hồ sơ của sinh viên quốc tế”.
“ICE vẫn giữ quyền chấm dứt hồ sơ vì các lý do khác, như vi phạm pháp luật hoặc không duy trì tình trạng hợp pháp,” bà cho biết.
Trước đó, hàng loạt du học sinh đã bị thu hồi visa và tình trạng pháp lý sau khi hồ sơ của họ bị xóa khỏi hệ thống SEVIS - cơ sở dữ liệu quản lý khoảng 1,1 triệu người giữ visa sinh viên tại Mỹ. Việc thu hồi diễn ra sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu hủy visa đối với những sinh viên từng tham gia biểu tình chính trị, đặc biệt là các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Nhiều trường hợp bị ảnh hưởng vì các vi phạm nhỏ như lái xe khi say rượu (DUI).

Sinh viên quốc tế biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học. Ảnh: Harvard Crimson
Xem thêm: Tòa án chặn kế hoạch “ra đòn” với DEI của Tổng thống Trump
Luật sư chính phủ cũng cho biết ICE sẽ ngừng việc sửa đổi hồ sơ chỉ dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Tội phạm Quốc gia (NCIC) - nguồn từng được sử dụng để đối chiếu và chấm dứt hồ sơ visa.
Tuy nhiên, việc khôi phục hồ sơ không diễn ra đồng loạt và thống nhất. Tại Đại học UC Berkeley, chỉ 12 trong số 23 sinh viên bị ảnh hưởng đã được khôi phục hồ sơ, theo bà Janet Gilmore, người phát ngôn của trường.
Tại bang Minnesota, luật sư David Wilson cho biết một nửa trong số 20 sinh viên ông đại diện đã được phục hồi tình trạng, nhưng nhiều người vẫn bị thu hồi visa và không thể rời khỏi Mỹ.
Nhiều sinh viên cho biết họ bất ngờ phát hiện hồ sơ được khôi phục từ chiều thứ Năm mà không nhận được bất kỳ thông báo hay giải thích nào từ chính phủ. Giới luật sư đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu rõ ràng trong cách xử lý hồ sơ của chính quyền.
Theo bà Elora Mukherjee, Giám đốc phòng khám quyền người nhập cư tại Trường Luật Columbia, việc từng bị hủy tình trạng pháp lý vẫn có thể ảnh hưởng đến các hồ sơ xin thẻ xanh hay các quyền lợi nhập cư khác trong tương lai.
“Khoảng thời gian họ bị hủy hồ sơ SEVIS có thể vẫn gây hậu quả nghiêm trọng,” bà nói. “Việc chính phủ chỉ khôi phục hồ sơ là không đủ, họ cần đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho sinh viên.”