Chính quyền địa phương 2 cấp: Sự cấp bách và thời cơ chín muồi

Sau khi giai đoạn 2 cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước kết thúc, nước ta sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cấp xã là cấp quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất, là nơi tổ chức triển khai tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, 'nếu nghị quyết không được triển khai tới chi bộ, tới nhân dân thì có lẽ tất cả chỉ là trên giấy'.

Xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tại thành phố Đà Nẵng. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, kể từ sau Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII (tháng 9-2024) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ta thực sự thống nhất về ý chí và hành động, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc.

Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương “Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”; “Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng - Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “Chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013”... và sau đó là xin ý kiến nhân dân. Mục đích nhằm tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045-2050 và xa hơn nữa. Ngày 12-4-2025, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sắp xếp này được thực hiện với tinh thần “khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn và có tầm nhìn 100 năm”, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 14-4-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 759/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Như vậy là đã có sự thay đổi về số đơn vị hành chính cấp xã, phường dự kiến sau sáp nhập, từ 2.000, 2.500, 5.000 và mới nhất là dự kiến còn khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Con số biến động ấy thể hiện điều căn bản, quan trọng nhất, đó là trong quá trình tiến hành, Đảng ta luôn cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp, sự phản biện của các thành viên trong xã hội, để điều chỉnh cho phù hợp. Điều ấy cũng nêu bật tính cấp bách của cuộc cách mạng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đúng như tiêu đề một bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thu hút sự chú ý của người dân cả nước, trong bối cảnh “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Việc tiến hành cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng, tiên quyết trong việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” hiện nay. Những bất cập, hạn chế, “nút thắt” liên quan đến bộ máy hành chính đã làm gián đoạn, gây trì trệ sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng không tốt tới suy nghĩ của người dân, tạo cơ hội cho thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, chống phá.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, qua tham khảo trên thế giới có khoảng 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp. Trong quá trình tổ chức mô hình 3 cấp sẽ có những vấn đề rất mới trong tư duy, chỉ đạo, thực hiện. Với mô hình chính quyền 3 cấp sẽ phân rõ vai trò của từng cấp... Cấp xã là quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất. Đồng thời là nơi tổ chức triển khai tất cả chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. “Nếu nghị quyết không được triển khai tới chi bộ, tới nhân dân thì có lẽ tất cả chỉ là trên giấy” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định. Thực tế, nhân dân luôn được coi trọng, là mục đích để Đảng ta hướng đến, nhưng nhiều khi chưa thực sự là đối tượng thụ hưởng các nghị quyết một cách kịp thời, rõ ràng, đúng đắn. Trong nhiều trường hợp, những nghị quyết rất hay, rất đúng, rất trúng của Đảng ta vẫn “chỉ là trên giấy”, bởi khâu yếu nhất là thực hiện, biến thành thực tiễn sinh động. Bởi vậy, chính quyền cấp xã sau sáp nhập sẽ đóng vai trò rất quan trọng, khi sự phân cấp, phân quyền được triển khai với sự phân vai, phân việc, với quyền hạn và trách nhiệm rõ hơn, nâng cao hơn nữa.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức sáng 16-4, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá trong giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Tổng Bí thư khẳng định, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn đất nước là quê hương.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện xin ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đại đa số người dân đều rất đồng tình với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, điều chỉnh địa giới cấp xã. Rất nhiều người dân có ý kiến về việc đổi tên đơn vị hành chính và đã được tiếp thu. Nhiều địa phương đã thay đổi tên xã từ đánh số sang tên chữ, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc xin ý kiến nhân dân cũng chứng tỏ Đảng ta không nóng vội, không “đốt cháy giai đoạn” khi tiến hành những cuộc cách mạng thực sự vì Đảng, vì nước, vì dân trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều ấy là sự hài hòa giữa sự cấp bách và thời cơ chín muồi của cuộc cách mạng, để tạo ra những không gian, dư địa mới cho sự phát triển đột phá, vì lợi ích nhân dân.

Không để nảy sinh tâm lý cục bộ địa phương

Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, những thách thức cũng xuất hiện, đến từ cả bên trong và bên ngoài. Ở bên trong, đó là có lúc, có nơi còn xuất hiện những trường hợp cán bộ, đảng viên dao động tâm lý, có những hành động, phát ngôn không chuẩn về một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, chế độ cho người xin nghỉ hưu sớm, những vấn đề liên quan đến bỏ cấp huyện, thay đổi tên gọi địa phương... Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương chưa được tốt, việc xao nhãng công việc, né việc còn diễn ra...

Ở bên ngoài, đó là sự chống phá điên cuồng, nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động. Chúng xuyên tạc sự thật, bóp méo bản chất vấn đề, tung tin sai trái, giả mạo nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tiến trình cách mạng. Chúng bịa đặt, vu khống rằng việc thực hiện cuộc cách mạng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” là nhằm “lợi ích nhóm”, “triệt hạ đối thủ”, “tạo dấu ấn”, “ý chí chủ quan”... Chúng cho rằng, cán bộ, đảng viên hoang mang vì mất việc, phai nhạt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Một thách thức đáng kể là việc sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp huyện “lên tỉnh, xuống xã” sao cho hợp lý, đúng người, đúng việc, không chỉ phát huy được năng lực, sở trường của từng người mà còn giúp mỗi người thuận tiện trong sinh hoạt, tránh những xáo trộn lớn trong cuộc sống, công việc. Từ đó, không để nảy sinh tâm lý “xã tôi, xã anh”, gây bè phái, cục bộ địa phương, ảnh hưởng đến công việc chung, kìm hãm sự phát triển. Bên cạnh đó là việc bố trí trụ sở cấp xã, xử lý trụ sở cấp huyện sao cho thuận tiện, hợp lý, tránh lãng phí tài sản công...

Giải quyết tốt những thách thức nêu trên, cũng chính là giải pháp để cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước thành công. Đồng thời, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, chính xác những chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; từ đó làm tốt công tác vận động, “đả thông” tư tưởng để mọi người chấp hành nghiêm túc, đúng đắn mọi chủ trương, chính sách đề ra. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện, tạo điều kiện cho những đối tượng thụ hưởng yên tâm về hưu trước tuổi, có điều kiện chăm lo cuộc sống cả về tinh thần và vật chất.

Sắp xếp đội ngũ cán bộ 3 cấp phải thực sự hợp lý, đúng người, đúng việc, cơ cấu phù hợp, để phát huy tốt nhất khả năng của từng thành viên, đồng thời tránh những hệ lụy tiêu cực như “cục bộ địa phương”, “kéo bè kết cánh”, phe nhóm... gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch, chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở vị trí làm việc mới, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát huy hết khả năng của mình trong lao động, sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo đà cho sự phát triển chung của địa phương, đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguyễn Tri Thức

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/635/171985/chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-su-cap-bach-va-thoi-co-chin-muoi
Zalo