Chính quyền cùng doanh nghiệp chung tay giải bài toán khó

Từ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trường mầm non cho con công nhân của TP.HCM, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây trường khang trang, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi cho công nhân.

TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách chăm lo đời sống công nhân, trong đó nổi bật là chủ trương xã hội hóa xây dựng trường mầm non. Với chủ trương này, một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xây trường khang trang, đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi dành cho con em công nhân.

Công ty xây trường “5 sao” cho con công nhân

Nhà ở quận 11, vợ chồng chị Vòng Tịnh Mỹ làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân). Hằng ngày, đúng 6 giờ 45 cả nhà bắt đầu ra khỏi nhà, 7 giờ 5 chị đưa con đến Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ rồi hai vợ chồng vào công ty cách đó vài trăm mét.

 Các bé Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ trong một giờ vận động ngoài trời. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các bé Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ trong một giờ vận động ngoài trời. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Năm nay là năm thứ 18 tôi làm ở công ty. Con gái lớn 14 tuổi của tôi cũng từng học tại trường này, giờ đến lượt bé nhỏ hai tuổi. Thấy các con đã và đang được chăm sóc, học hành trong môi trường an toàn, tôi rất yên tâm” - chị Mỹ tâm sự.

Theo chị Mỹ, gửi con ở đây chị chỉ phải đóng tiền ăn, chi phí còn lại do công ty tài trợ, nhờ đó dư được một khoản thêm vào sữa, bỉm cho con.

 Khu trồng rau, trái theo mùa trong Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Khu trồng rau, trái theo mùa trong Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Lê Ái Sơn Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ được xây trên diện tích 5.000 m2, gồm ba dãy nhà với 20 lớp học (mỗi lớp khoảng 25 trẻ) và tám phòng chức năng. Sân trường rộng đảm bảo tất cả trẻ vui chơi cùng lúc, ngoài ra trường còn có khu trồng rau, trái theo mùa…

 Cô và bé Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ đang vui chơi ngoài trời trong giờ giải lao. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô và bé Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ đang vui chơi ngoài trời trong giờ giải lao. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Phụ huynh chỉ đóng tiền ăn 1,5 triệu đồng/tháng cho ba bữa sáng, trưa và xế. Ngoài ra, ban giám đốc còn hỗ trợ các trẻ thêm một cữ sữa vào bữa sáng. Trường hoạt động nguyên tuần (nghỉ Chủ nhật), hàng ngày đón trẻ lúc 6 giờ 30, mở cửa trả trẻ đến 18 giờ” - cô Hà thông tin.

 Nhóm trẻ đang chơi kéo co rất sôi nổi trong sân Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhóm trẻ đang chơi kéo co rất sôi nổi trong sân Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Năm 2008, chính quyền địa phương khuyến khích các doanh nghiệp xây trường mầm non để công nhân có chỗ gửi con, yên tâm làm việc. Ngay sau đó, công ty chúng tôi đã làm việc với UBND quận Bình Tân, Phòng GD&ĐT quận và mau chóng lên kế hoạch xây trường mầm non. Đến năm 2013, Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ bắt đầu đi vào hoạt động cho đến nay.

Ông CỦ PHÁT NGHIỆP, Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam

Tại Trường Mầm non Thanh Bình, chị Nguyễn Thị Kim Phương, công nhân Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 2 (TP Thủ Đức), vừa tan ca nên ghé đón con rồi dắt bộ lên nhà. Trường được bố trí ngay tại tầng trệt của khu lưu trú công nhân.

“Tôi sống tại đây từ năm 2017, trường dưới sảnh nên sáng đưa con xuống học rồi tôi đi làm, rất tiện. Công việc thường xuyên phải tăng ca đến 18 giờ 30 nên trường tổ chức giữ ngoài giờ. Hôm nào trễ quá, các cô đưa con về nhà cô chơi, cha mẹ qua rước vì mọi người đều sống trong khu này, biết nhau hết” - chị Phương tâm sự.

 Công nhân làm việc trong KCX Linh Trung 2 đều có thể gửi con tại Trường Mầm non Thanh Bình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Công nhân làm việc trong KCX Linh Trung 2 đều có thể gửi con tại Trường Mầm non Thanh Bình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Thanh Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay công ty tận dụng tầng trệt làm trường mầm non. Công nhân làm việc trong KCX Linh Trung 2 đều có thể gửi con tại đây.

“Trường đón trẻ từ 6 giờ 30, chiều trả trẻ đến 17 giờ 15. Sau thời gian này có một lớp tăng ca, chi phí 15.000 đồng/giờ và có giữ trẻ thêm ngày thứ Bảy. Học phí của trường dao động 2,3-2,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra có hỗ trợ 150.000 đồng/tháng tiền ăn cho trẻ là con của công nhân” - cô Trâm nói.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

Tuy nhiên, những mô hình như trên không phải công ty nào cũng đủ điều kiện thực hiện được.

Hiện nay, khối mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu về giờ giấc của công nhân nên việc họ chọn gửi con ở các cơ sở giáo dục độc lập là điều dễ hiểu.

Nắm rõ thực tế trên, thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại các khu công nghiệp (KCN) - KCX. Có thể kể đến Nghị quyết 27/2021 của HĐND TP.HCM về chính sách đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn có KCN nơi có từ 30% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Mức hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng và tối đa 50 triệu đồng/cơ sở.

 Cô giáo Trường Mầm non Thanh Bình đang dạy trẻ cách làm đồ chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô giáo Trường Mầm non Thanh Bình đang dạy trẻ cách làm đồ chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ngoài ra, trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng theo Nghị định 105/2020, tính theo số tháng thực học và không quá chín tháng/năm học. Giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng.

Sau gần ba năm triển khai, TP đã chi hơn 1 tỉ đồng cho các cơ sở giáo dục mầm non; hơn 12,6 tỉ đồng hỗ trợ trẻ và hơn 2,6 tỉ đồng hỗ trợ giáo viên.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết TP ban hành rất nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ giáo viên, con công nhân trong KCN-KCX.

“Qua khảo sát thực tế cho thấy hiệu ứng của các chính sách chăm lo cho con em công nhân rất tốt, được cử tri và dư luận đồng tình ủng hộ, đặc biệt con em công nhân có điều kiện tốt hơn trong quá trình học hành và vui chơi giải trí.

 Trẻ Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ được hướng dẫn tự phục vụ trong giờ ăn để tăng tính tự lập. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trẻ Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ được hướng dẫn tự phục vụ trong giờ ăn để tăng tính tự lập. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bên cạnh đó, ban cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết những trường hợp đặc biệt về giấy tờ tùy thân cho các trẻ em là con công nhân. Khi đã có quy trình, các địa phương dựa vào quy định để thực hiện. Nếu vướng chỗ nào phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, có giải pháp” - ông Bình nói.

Trường mầm non công lập duy nhất giữ trẻ thứ Bảy

Hiện TP.HCM chỉ có Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân) là trường mầm non công lập duy nhất có giữ trẻ ngoài giờ thêm 1 tiếng từ thứ Hai đến thứ Sáu và thứ Bảy.

Cô và bé Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân) trong một tiết học về cây cối. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là một trong những ngôi trường thực hiện đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ giai đoạn 2016-2020. Kinh phí thực hiện hoạt động này khi đó là 25% phụ huynh đóng góp, 25% do KCN hỗ trợ cha mẹ trẻ qua lương, 50% từ ngân sách nhà nước. Sau khi hết thời gian thí điểm, phụ huynh vẫn muốn duy trì dù lúc này không còn khoản 50% hỗ trợ từ Nhà nước.

Từ năm 2021, trường được phép tổ chức giữ trẻ ngoài giờ với mức phí 12.000 đồng/giờ. Đến nay, hoạt động này vận hành ổn định, nhận được sự ủng hộ lớn từ phụ huynh.

Ông TRẦN CỘNG, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 7:

Nên hỗ trợ công nhân tiền gửi con ngoài giờ

Do đặc thù công việc, công nhân thường phải tăng ca đến 19 giờ thậm chí 20 giờ nên việc họ phải gửi con ngoài giờ là tất yếu.

Các trường mầm non công lập do vướng quy định và cơ chế rất khó đáp ứng được nhu cầu này, trong khi các nhóm trẻ độc lập, tư thục linh hoạt về thời gian. Công nhân chọn gửi con tại các cơ sở mầm non độc lập thứ nhất vì chủ động được giờ giấc yên tâm làm việc, thứ hai là gần nhà tiện việc đón đưa khi thường phải đi sớm về muộn, thứ ba là chi phí phù hợp.

Ông TRẦN CỘNG

Tôi kiến nghị UBND quận đề xuất UBND TP.HCM có chủ trương và hướng dẫn về sử dụng tài sản công trong việc giữ trẻ ngoài giờ. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tiền gửi con ngoài giờ từ nguồn tài chính của công đoàn cho công nhân, đồng thời tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với các nhóm trẻ tư thục nhận giữ trẻ ngoài giờ.

TRẦN THU PHƯƠNG, Phó Trưởng ban Tuyên giáo nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Lần đầu có đề án hỗ trợ công nhân chăm sóc, nuôi dạy con

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra quyết định ban hành đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các KCX-KCN trong chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2025-2028”.

Đề án xác định chăm sóc con công nhân là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, hướng đến nâng cao chất lượng sống và xây dựng gia đình công nhân vững mạnh.

Bà TRẦN THU PHƯƠNG

Theo đó, mỗi KCX-KCN phấn đấu có ít nhất một nhóm trẻ độc lập tư thục được công đoàn hỗ trợ cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo chất lượng. Đồng thời, công đoàn sẽ triển khai các mô hình tư vấn nghề nghiệp, đào tạo việc làm và hỗ trợ nuôi dạy con cho người lao động.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chinh-quyen-cung-doanh-nghiep-chung-tay-giai-bai-toan-kho-post843866.html
Zalo