Chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Cơ quan báo chí ra đời nhiều nhưng nguồn thu giảm
Sáng 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông (trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu lại quan điểm "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.
Trong khi đó, các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu. "Số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều, đến nay có 880 cơ quan báo chí nhưng nguồn thu giảm", ông Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. "Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí", ông Hùng cho biết.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Cách thức nào để hỗ trợ cơ quan báo chí cho hiệu quả?
Phát biểu tranh luận, đề cập về nguồn thu của các cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn cách hỗ trợ báo chí như thế nào cho hiệu quả và nêu vấn đề: "Tại sao báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi" bởi báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng và trong lịch sử của báo chí Việt Nam, khi báo chí bám sát công chúng, đời sống dưới sự lãnh đạo của Đảng thì làm tốt công tác tư tưởng thì báo chí đứng vững trên đôi chân của mình như bám rễ vào đất, bám rễ vào sự thật và báo chí có nguồn chi trả từ công chúng. Sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước luôn luôn là nguồn hỗ trợ hết sức quan trọng nhưng bằng nhiều cách, nhiều phương thức khác nhau, đó là sự hỗ trợ, chỉ đạo về mặt thông tin, định hướng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh việc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói đến công tác truyền thông chính sách như một lối mở để báo chí tăng nguồn thu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nghĩa, báo chí phải làm hiệu quả công tác này chứ không phải nguồn để hỗ trợ cho báo chí có thể sống được, tồn tại được.
"Chúng tôi đã đọc kĩ Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về truyền thông chính sách, trong đó, giao cho các cơ quan Nhà nước chủ động truyền thông chính sách và đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan này có ngân sách, có nhân lực để thực hiện truyền thông chính sách và báo chí là cơ quan để phối hợp. Như vậy, vấn đề chính là hiệu quả của truyền thông chính sách. Nếu cứ cấp ngân sách, kinh phí cho một số tờ báo và coi đó là 'báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi' thì rõ ràng chưa quan tâm đến hiệu quả, góc độ nào đó là chưa nhìn kĩ nội lực của báo chí, sự gắn bó mật thiết của báo chí với nhân dân, để nói lên được sự thật. Và nói lên được sự thật sẽ cạnh tranh được với mạng xã hội, chỉ rõ định hướng để công chúng tin tưởng vào các cơ quan báo chí" đại biểu Nghĩa phát biểu.
Đại biểu đoàn Phú Yên cũng bày tỏ băn khoăn khi ngân sách có thể bố trí được bao nhiêu để có thể nuôi được các cơ quan báo chí, chắc chắn đó là khó khăn.
Trao đổi thêm về vấn đề liên quan đến báo chí cách mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo. Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay, thực tế khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng cần cân nhắc, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không? Bộ trưởng cho rằng không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo 23 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn. Nội dung tập trung vào 3 vấn đề sau:
1. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.
3. Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.