Chính quyền Biden nỗ lực thay đổi cục diện xung đột Ukraine trước khi ông Trump nắm quyền
Tổng thống Joe Biden đã thay đổi lập trường, không còn phản đối việc Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, sau khi Triều Tiên chính thức tham chiến.
Quyết định này càng trở nên cấp thiết hơn sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 5/11, theo các nguồn tin thân cận.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nhiều tháng đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc dỡ bỏ các giới hạn sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp. Các tên lửa này có khả năng vươn xa vào lãnh thổ Nga, nhưng Washington lo ngại nguy cơ kéo NATO vào một cuộc đối đầu trực tiếp với một cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, việc Nga triển khai binh lính Triều Tiên tới khu vực Kursk được xem là bước leo thang nghiêm trọng, buộc Mỹ phải phản ứng. Một quan chức cấp cao Mỹ cùng hai nguồn tin khác xác nhận với Reuters rằng diễn biến này đã khiến chính quyền Biden phải đánh giá lại lập trường.
Ngoài ra, chiến thắng của ông Trump – người luôn tỏ ra hoài nghi về vai trò của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine – cũng gia tăng áp lực, buộc chính quyền Biden phải nới lỏng các quy định về sử dụng vũ khí và đẩy mạnh hỗ trợ Kiev trong bối cảnh Ukraine gặp nhiều tổn thất trên chiến trường.
Quyết định này được nhận định là một nỗ lực nhằm "đảm bảo tính bền vững" cho chính sách hỗ trợ Ukraine của ông Biden, trong trường hợp viện trợ quân sự từ Mỹ bị gián đoạn dưới chính quyền mới.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận liệu Tổng thống Joe Biden có cho phép thực hiện các cuộc tấn công tầm xa hay không, nhưng cho rằng Nga đã làm gia tăng căng thẳng khi điều động binh lính Triều Tiên tham chiến.
Moscow tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả trước những gì họ coi là hành động leo thang từ phương Tây. Theo một quan chức Mỹ, hôm 21/11, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung trong cuộc tấn công nhằm vào thành phố Dnipro, Ukraine – động thái được cho là lời cảnh báo trực tiếp gửi đến NATO.
Tối cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận việc quân đội nước này phóng tên lửa đạn đạo.
Củng cố vị thế của Ukraine
Thông báo về điều chỉnh chính sách đã được truyền đạt tới Ukraine trong một cuộc điện đàm ngày 12/11 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov, theo một nguồn tin thân cận. Một ngày sau, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo quyết định này với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, các quan chức châu Âu và đại diện Ukraine trong chuyến thăm Brussels.
Trong hôm 19/11, Ukraine tiến hành cuộc tấn công tầm xa đầu tiên theo chính sách mới, sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để phá hủy một kho vũ khí cách biên giới Nga khoảng 110 km.
Quyết định của ông Biden cũng tạo điều kiện để các đồng minh của Mỹ, như Anh, nới lỏng giới hạn trong việc sử dụng các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine. Ngày 20/11, Ukraine đã phóng loạt tên lửa Storm Shadow của Anh vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ngoài việc điều chỉnh chính sách tên lửa, chính quyền Biden gần đây còn thông qua các biện pháp hỗ trợ khác, bao gồm cho phép sử dụng mìn chống bộ binh để ngăn chặn bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine và “bật đèn xanh” cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ hoạt động tại Ukraine để sửa chữa vũ khí ngay tại chỗ.
Trước đó, Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ cho phép sử dụng tên lửa có tầm bắn 190 dặm nhằm tấn công vào sâu các căn cứ không quân của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã từ chối, cho rằng động thái này có thể đẩy NATO vào nguy cơ xung đột trực tiếp.
Việc Nga triển khai hàng nghìn binh lính Triều Tiên đến chiến trường Ukraine đã thay đổi quan điểm của Washington. Theo Nhà Trắng, các binh sĩ Triều Tiên được điều động tới thành phố cảng Vladivostok từ giữa tháng 10, trước khi được chuyển đến các trung tâm huấn luyện ở miền đông nước Nga. Tuần sau đó, Ngoại trưởng Blinken thông báo rằng khoảng 8.000 binh lính Triều Tiên đã có mặt tại khu vực Kursk, nơi Ukraine duy trì sự kiểm soát từ tháng 8.
Quyết định nới lỏng hạn chế về sử dụng vũ khí của Mỹ nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga và Triều Tiên rằng sự leo thang này là không thể chấp nhận, đồng thời hỗ trợ Ukraine giữ vững vị trí tại Kursk, một quan chức Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, động thái này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm căng thẳng leo thang hơn nữa, dù đến nay Nga chưa có hành động quân sự nào trực tiếp nhằm vào các quốc gia khác ngoài Ukraine. Một cố vấn Quốc hội Mỹ cho biết, chính sách mới chỉ áp dụng riêng cho khu vực Kursk.
"Ukraine chỉ được phép tấn công vào sâu lãnh thổ Nga nhằm ngăn chặn nỗ lực phối hợp giữa Nga và Triều Tiên để tái chiếm Kursk", vị cố vấn khẳng định.