Chinh phục mục tiêu bằng dự án 'chữa lành'

Hiện nay, những lo toan, bộn bề của cuộc sống khiến nhiều người không mấy quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Hiểu điều đó, một nhóm sinh viên người Quảng Trị đã kết nối với nhau, sử dụng AI để giải quyết nỗi lo này. Dự án của các bạn vừa chinh phục ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi 2025 Harvard Health Systems Innovation Hackathon.

Đức Lưu, Tâm Phúc, Cát Linh (lần lượt từ phải sang) nhận giải Ba tại cuộc thi Hackathon của Harvard - Ảnh: NVCC

Đức Lưu, Tâm Phúc, Cát Linh (lần lượt từ phải sang) nhận giải Ba tại cuộc thi Hackathon của Harvard - Ảnh: NVCC

Sử dụng AI để giúp người

Là một sự kiện mang tầm quốc tế, cuộc thi 2025 Harvard Health Systems Innovation Hackathon do Đại học Harvard T.H. Chan School of Public Health tổ chức với sự tham dự của hơn 26 nước. Tại Việt Nam, Đại học Y Hà Nội và Path Organization là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi. Với chủ đề: “Xây dựng hệ thống y tế chất lượng cao thông qua trí tuệ nhân tạo”, năm nay cuộc thi Hackathon của Harvard thu hút đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên tham dự. Đến với cuộc thi, ngoài giải thưởng, các tác giả, nhóm tác giả mong muốn được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ, y tế hàng đầu thế giới. Từ đây, họ có thể đóng góp nhiều hơn, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế.

Giữa nhiều hồ sơ gửi đến cuộc thi, dự án Mindly - ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần của một nhóm sinh viên người Quảng Trị dành được nhiều sự chú ý. Là người khai sinh ý tưởng, Nguyễn Lê Cát Linh (sinh năm 2004), sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ứng dụng Mindly được mình ấp ủ từ khi còn là học sinh. Sau này, trên ghế giảng đường, cô càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Vì thế, Cát Linh đã quyết định xây dựng dự án.

Biết không thể “đơn thương độc mã”, Linh kết nối 4 sinh viên cùng quê là: Trần Ngọc Tâm Phúc (Trường Đại học Y Hà Nội); Lê Đức Lưu (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Thị Hoàng Phúc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Lê Thiên Doanh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Họ đã cùng nhau tìm phương án, phát huy cao nhất vai trò của AI trong chăm sóc sức khỏe tâm thần .

Trò chuyện về cơ duyên đưa nhóm đến với cuộc thi Hackathon của Harvard, Cát Linh cho biết, đầu năm 2025, mình và các thành viên khác được Tâm Phúc thông tin về cuộc thi. Ai cũng bất ngờ khi chủ đề của cuộc thi rất phù hợp với dự án mà nhóm theo đuổi trong gần 1 năm qua. Vì thế, các bạn rất hào hứng, nhanh chóng chạy nước rút để nhập cuộc.

“Tuy nhiên, khi cận kề ngày cuộc thi Hackathon của Harvard được tổ chức, Hoàng Phúc và Thiên Doanh lại bị kẹt lịch học ở trường. Lúc đó, chúng em đều rất lo lắng, không biết giải quyết sao”, Cát Linh kể.

Cuộc thi Hackathon của Harvard quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên giỏi - Ảnh: NVCC

Cuộc thi Hackathon của Harvard quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên giỏi - Ảnh: NVCC

Góp mặt trong dự án Mindly, mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng. Ai cũng có thế mạnh, vai trò riêng. Khi nhân sự thiếu hụt, các thành viên còn lại phải gánh vác khối lượng công việc khá lớn. Tuy nhiên, vì cơ hội đến với những cuộc thi lớn như Hackathon của Harvard không nhiều, cuối cùng, mọi người vẫn động viên nhau tham gia. Cát Linh chia sẻ: “Xác định là khó nhưng chúng em hứa với nhau sẽ cố gắng hết sức. Hai thành viên còn lại sẽ là hậu phương, tiếp lửa để ba thành viên trực tiếp tham gia cuộc thi tự tin... xung trận”.

Chạy đua” với dự án

Là những bạn trẻ giỏi giang, năng động, Cát Linh, Tâm Phúc và Đức Lưu không xa lạ với các cuộc thi. Thế nhưng, việc tham gia cuộc thi Hackathon của Harvard vẫn là một trải nghiệm rất đặc biệt. Ngoài việc thiếu thành viên, đội còn gặp thử thách không nhỏ khác tới từ đối thủ. Phần lớn gương mặt quy tụ ở cuộc thi Hackathon của Harvard là các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành. Không chỉ giỏi về học thuật, họ còn có vốn kinh nghiệm thực tế dày dặn. Việc cạnh tranh với những ứng cử viên sáng giá để đoạt giải thưởng không hề dễ.

Hiểu điều ấy nhưng nhóm sinh viên người Quảng Trị không nao núng. Ai cũng hứa sẽ quyết tâm, nỗ lực gấp đôi để chinh phục cuộc thi Hackathon của Harvard. Tâm Phúc kể, điều thú vị của cuộc thi năm nay là sau khi khai mạc, ban tổ chức mới công bố những yêu cầu, nguyên tắc đặt ra. Vì thế, các đội không thể tranh tài bằng cách bê nguyên những gì mình đã chuẩn bị. Thay vào đó, họ phải điều chỉnh, bổ sung, xây dựng dự án phù hợp chỉ trong 1 ngày.

Sau khi nhận thông tin, Cát Linh, Tâm Phúc và Đức Lưu ngay lập tức lao vào làm việc nhóm. Biết không có nhiều thời gian để giới thiệu về dự án, thuyết phục ban giám khảo, các bạn chuẩn bị kỹ từng thông tin, hình ảnh, câu trả lời... “Đó là lần đầu tiên em thấy tim mình đập nhanh đến thế. Chúng em thức trắng mà gần như không cảm thấy buồn ngủ hay mỏi mệt. Càng ở giai đoạn nước rút, những ý tưởng, cách làm mới ùa về càng nhiều làm chúng em phải cân nhắc, suy nghĩ để tránh ôm đồm”, Tâm Phúc chia sẻ.

Sự tích cực ấy cùng quá trình gần 1 năm xây dựng phần mềm đã giúp nhóm sinh viên người Quảng Trị không còn e ngại khi tiếp xúc với ban giám khảo. Các bạn chia sẻ những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần một cách đầy tâm huyết. Từ đây, nhóm giới thiệu các tính năng ưu việt của ứng dụng Mindly. Với phần mềm này, AI sẽ trò chuyện, theo dõi tâm trạng hằng ngày của người sử dụng, qua đó có sự tổng kết, đánh giá tính hằng tuần, hằng tháng. Trên cơ sở đó, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp người dùng tìm ra giải pháp cải thiện đời sống tinh thần. Mọi thông tin của người sử dụng phần mềm được bảo mật tuyệt đối.

Mũi tên trúng nhiều đích

Nhắc đến kỷ niệm tại cuộc thi Hackathon của Harvard, Đức Lưu cho biết, sau khi giới thiệu về dự án với ban giám khảo, các thành viên trong nhóm đều khá hài lòng. Tuy nhiên, không ai dám đặt quá nhiều kỳ vọng. Vì thế, khi nghe nhóm đoạt giải Ba, cả Lưu, Linh và Phúc vỡ òa trong niềm sung sướng. “Những ngày xây dựng dự án vất vả bao nhiêu thì bây giờ chúng em được bù đắp bằng niềm vui bấy nhiêu. Chúng em tự hào vì đã làm được điều mà bản thân từng cho là không thể”, Đức Lưu nói.

Thực tế, không riêng Cát Linh, mỗi thành viên trong nhóm đều có một mối trăn trở riêng liên quan đến sức khỏe tâm thần. Hiện nay, lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm, chú ý. Trong khi đó, cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, buộc con người phải có “sức đề kháng” cao. Bởi, những u uẩn trong suy nghĩ dù là rất nhỏ cũng có thể trở thành sự việc đau lòng lớn. “Qua sách báo, em rất buồn khi biết một số vụ tự vẫn xảy ra với các bạn ở lứa tuổi học sinh. Em không biết các bạn đã gặp những chuyện gì. Thế nhưng, em tin rằng, nếu được quan tâm, chăm sóc tâm thần chu đáo, các bạn sẽ vượt qua mọi chuyện. Vì thế, khi nghe chị Cát Linh chia sẻ về ý tưởng, em như tìm thấy tiếng nói chung”, Đức Lưu kể.

Với sự thống nhất cao, các thành viên trong nhóm đã nhanh chóng vượt mọi khoảng cách, nỗ lực biến Mindly trở thành một người bạn, chuyên gia tâm lý, bác sĩ. Sau bước đầu hoàn thiện ứng dụng, họ cũng chính là những người trải nghiệm đầu tiên. Từ đây, thành viên trong nhóm sớm tìm ra những “lỗ hổng” và phát huy điểm mạnh của phần mềm. Biết rằng sẽ thiếu khách quan nếu chỉ dựa vào cảm nhận của mình, các thành viên bắt đầu đưa trải nghiệm tới những người khác. Việc tham gia cuộc thi Hackathon của Harvard cũng chính là cách mà các thành viên chọn để phát triển Mindly. Bởi, các bạn biết, những người “cầm cân nảy mực” trong cuộc thi sẽ cho mình những nhận xét, gợi mở quý giá .

Từ những mong muốn ấy, việc đến với cuộc thi Hackathon của Harvard đã giúp “mũi tên” của nhóm sinh viên Quảng Trị trúng nhiều đích. Không chỉ giành được giải thưởng vượt trên sự kỳ vọng, các bạn còn tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Vì thế, ngay sau cuộc thi, Cát Linh, Tâm Phúc và Đức Lưu lại nhanh chóng nhóm họp online với Hoàng Phúc, Thiên Doanh để tiếp tục hoàn thiện dự án. Dự kiến sắp tới, các bạn sẽ cùng nhau đưa Mindly vào TP. Hồ Chí Minh, góp mặt tại vòng bán kết một cuộc thi về khởi nghiệp. Họ tin rằng, qua mỗi lần “thử lửa”, Mindly sẽ ngày càng hoàn thiện, sớm đi vào cuộc sống, giúp người dân có một liệu pháp hữu hiệu để “chữa lành”.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-phuc-muc-tieu-bang-du-an-chua-lanh-193699.htm
Zalo