Chính phủ yêu cầu trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng trước 20-12

Chính phủ yêu cầu khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu và TMCP Đông Á trước ngày 20-12-2024.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024.

Đáng chú ý, tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quán triệt nội dung định hướng và kế hoạch, tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18.

Gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung

Chính phủ cũng lưu ý chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp; đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách và các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, bàn nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, bàn nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: NHẬT BẮC

Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo đúng tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ được quy định tại Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương giao.

Tinh thần là 'không làm không được, khó mấy cũng phải làm', 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', 'gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung'" - Nghị quyết Chính phủ nêu rõ.

Đặc biệt, Chính phủ lưu ý khẩn trương hoàn thành theo thời hạn cụ thể trong tháng 12-2024 năm công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cụ thể, gồm (1) Xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18. (2) Xây dựng đề án, phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

(3) Xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan sau sắp xếp. (4) Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

(5) Xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ, dự thảo Quy chế làm việc của Đảng bộ bộ, cơ quan.

Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội và TP.HCM

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, quyết tâm hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ những tác động mới cả từ trong nước, ngoài nước đối với kinh tế - xã hội nước ta để phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 vượt ít nhất 15% dự toán được giao; kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, bảo đảm hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm…

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, các quy hoạch ngành quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch dứt khoát phải xong trong năm 2024.

Bộ GTVT, các địa phương được yêu cầu kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, chú trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh.

Đồng thời, tích cực triển khai chuẩn bị đầu tư một số dự án đường sắt quan trọng, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc giai đoạn 2026 - 2030 và nâng cấp, mở rộng đường bộ cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ lên quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại (Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng TMCP Đông Á) trước ngày 20-12-2024; sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa...

Tại Nghị quyết vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ những "điểm nghẽn", "nút thắt", nhất là những vấn đề cấp bách, cần thiết, tạo đột phá theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII. Việc này giúp tạo điều kiện thông thoáng để đón đầu các nguồn vốn đầu tư, công nghệ quốc tế chất lượng cao.

Cạnh đó, quán triệt nghiêm yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chủ trì, phối hợp, thẩm định trong từng khâu, từng giai đoạn của quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-yeu-cau-trinh-phuong-an-chuyen-giao-bat-buoc-2-ngan-hang-truoc-20-12-post824532.html
Zalo