Chính phủ và Mặt trận đã phối hợp xử lý hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách

Sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn; bổ sung, hoàn thiện, thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, diễn ra sáng 18/10, Đại hội đã nghe Phó Thủ tướng Lê Thành Long báo cáo về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cụ thể, về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, Chính phủ phối hợp chặt chẽ với UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân sĩ trí thức; phối hợp trong giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, chương trình, dự án, đề án về công tác dân tộc, tôn giáo.

Hằng năm, hai bên phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình an sinh xã hội để chăm lo hỗ trợ người nghèo; quan tâm phối hợp thực hiện cuộc vận động ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm lo các gia đình chính sách, người có công và người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.

Hai bên cũng phối hợp phát động Phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025” để đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Kết quả phối hợp triển khai các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết của Chính phủ.

Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, số lượng văn bản QPPL của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến của Mặt trận ngày càng tăng lên (hàng năm, Chính phủ, các Bộ, ngành đã gửi lấy ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam 80 dự thảo văn bản QPPL).

Đối với các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các cơ quan Nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho MTTQ Việt Nam triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội…

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản QPPL, chương trình, đề án. Qua phản biện của Mặt trận và các đoàn thể đã giúp cấp ủy, chính quyền phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Những ý kiến phản biện của Mặt trận đã được các cơ quan dự thảo văn bản nghiên cứu tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản được phát hành, bảo đảm tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Trong công tác trao đổi thông tin và làm việc liên tịch, sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian qua được thực hiện tốt, có chiều sâu, với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi bên, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn; bổ sung, hoàn thiện, thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở một số nội dung chưa thật sự đạt kết quả rõ nét; vẫn còn tồn tại những điểm nóng; việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có nhiều tiến bộ, tích cực nhưng có nội dung còn chậm, vẫn còn tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài; phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa tổ chức được phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án lớn...

Thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tập hợp Nhân dân, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, bảo đảm và tạo điều kiện để UBTƯ MTTQ Việt Nam và MTTQ các cấp triển khai tuyên truyền, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KTXH, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.

Tăng cường phối hợp thực hiện và phát huy dân chủ; thực hiện hiệu quả chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.

Cùng với đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm thực chất, hiệu quả; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm các điều kiện cho các hoạt động giám sát và tiếp thu, giải trình, giải quyết, trả lời các kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật…

Vân Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chinh-phu-va-mat-tran-da-phoi-hop-xu-ly-hieu-qua-nhung-van-de-he-trong-cap-bach-post528942.html
Zalo