Chính phủ trình phương án bổ sung vốn tại Ngân hàng Vietcombank (VCB), hướng đến top 100 ngân hàng châu Á

Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Cụ thể, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank (VCB). Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV (BID), Ngân hàng Vietinbank (CTG) và Ngân hàng Hợp tác xã.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực.

Chính phủ đã có tờ trình đề xuất đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank với tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã có tờ trình đề xuất đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank với tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 24/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình của Chính phủ về đề xuất đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho Ngân hàng Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á; khẳng định vai trò "sếu đầu đàn" trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.

“Đây là điều kiện cần thiết để Ngân hàng Vietcombank có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung tăng vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình với tờ trình của Chính phủ về vấn đề trên và tán thành đưa nội dung này vào nghị quyết chung Kỳ họp thứ 8.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Hồi đầu năm nay, HĐQT Ngân hàng Vietcombank đã phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, ngân hàng này sẽ sử dụng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 để trả cổ tức bằng cổ phiếu theo phương án phân phối lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua.

Trong một diễn biến khác, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Vietcombank đang rà soát tài chính, sẵn sàng tổ chức lễ chuyển giao 01 ngân hàng 0 đồng.

Theo phân tích của một số tổ chức tài chính, việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng Vietcombank. Trong đó, ngân hàng này có thể được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng), thay vì phải chi một phần cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính như các năm trước.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chinh-phu-trinh-phuong-an-bo-sung-von-tai-ngan-hang-vietcombank--vcb-huong-den-top-100-ngan-hang-chau-a-127968.htm
Zalo