Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đối mặt nguy cơ mất tín nhiệm

Chính trường Pháp đang tiếp tục đối mặt với những bất ổn khi chính phủ thiểu số do Thủ tướng Francois Bayrou đầu phải đối diện đồng thời với nhiều sức ép đến từ khủng hoảng ngân sách, phân hóa nội bộ các đảng phái và những nghi vấn liên quan đến trách nhiệm chính trị của cá nhân.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 14/5, sau khi Quốc hội Pháp trở lại hoạt động, hàng loạt vấn đề nổi cộm đã bộc lộ rõ nét, đe dọa sự ổn định của liên minh cầm quyền. Trong đó, Đảng Xã hội - lực lượng đang giữ vai trò trung gian then chốt trong một Quốc hội bị phân cực - hiện rơi vào tình trạng chia rẽ nội bộ trước thềm đại hội vào tháng 6. Bí thư thứ nhất của đảng, ông Olivier Faure, đang chịu áp lực từ một liên minh các nhóm cải cách theo xu hướng ôn hòa và ủng hộ hội nhập châu Âu. Các nhà quan sát nhận định rằng để củng cố ảnh hưởng trong nội bộ đảng, lãnh đạo hiện tại có thể tính đến phương án gây sức ép chính trị lên Thủ tướng Bayrou, đặc biệt thông qua việc rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ trong các vấn đề trọng yếu như ngân sách.

Cùng thời điểm, đảng Cộng hòa - lực lượng trung hữu hiện diện trong liên minh cầm quyền - cũng lâm vào tình trạng bất ổn do chuẩn bị tiến hành bầu cử lãnh đạo mới trong tháng này. Chủ tịch đương nhiệm Laurent Wauquiez đang đứng trước nguy cơ bị Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau - một thành viên chủ chốt trong nội các Bayrou - vượt qua. Cuộc cạnh tranh này được cho là phản ánh mâu thuẫn đường lối giữa những người ủng hộ duy trì hợp tác với khối trung tâm do Tổng thống Emmanuel Macron dẫn dắt và những nhân vật chủ trương tách khỏi xu hướng này. Trong trường hợp kết quả bầu cử dẫn tới sự phân hóa nội bộ đảng Cộng hòa, khả năng tiếp tục duy trì sự ủng hộ đối với chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen cũng đang cân nhắc khả năng gia tăng phản ứng chính trị sau khi bà bị tòa án tuyên cấm tham gia các chức vụ công trong vòng 5 năm liên quan đến vụ việc quản lý tài chính tranh cãi trước đó. Mọi động thái mang tính đối kháng của đảng này đều có thể tác động mạnh tới cục diện chính trị quốc gia trong thời gian tới.

Đáng chú ý, cá nhân Thủ tướng Bayrou cũng đang trở thành tâm điểm của dư luận sau khi xuất hiện những thông tin liên quan đến một vụ việc từ những năm 1990, khi ông còn là Bộ trưởng Giáo dục. Vụ việc liên quan đến các cáo buộc bạo lực và lạm dụng tình dục tại một trường Công giáo ở khu vực ông đại diện. Mặc dù ông Bayrou từng khẳng định trước Quốc hội vào tháng 2 rằng bản thân không có thông tin cụ thể về vụ việc khi đó, song một số phát biểu gần đây - trong đó có từ con gái ông - đã đặt ra nghi vấn về mức độ hiểu biết của ông đối với sự việc. Dự kiến trong ngày 14/5, theo giờ địa phương, ông Bayrou sẽ phải ra điều trần trước một ủy ban của Quốc hội để làm rõ những tình tiết liên quan.

Theo nhận định từ giới phân tích, riêng vụ việc này khó có thể làm lung lay vị trí của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ đang chịu áp lực lớn từ nhiều phía, đây có thể trở thành một yếu tố tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị trong và ngoài liên minh cầm quyền tính toán các bước đi mới.

Trên phương diện kinh tế - tài chính, thách thức lớn nhất mà chính phủ Bayrou đang đối mặt chính là tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng. Chỉ hai tháng sau khi ngân sách năm 2025 được thông qua, chính phủ đã buộc phải công bố các biện pháp khẩn cấp để bù đắp khoản hụt thu 5 tỷ euro (khoảng 5,4 tỷ USD), trong đó bao gồm cắt giảm 3,1 tỷ euro (khoảng 3,35 tỷ USD) từ chi tiêu trong các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Tình hình hiện tại khiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng từ mức cam kết 5,4% lên 5,8% GDP trong năm nay.

Để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ thâm hụt về mức 4,6% vào năm 2026, chính phủ cần tìm thêm khoảng 40 tỷ euro (khoảng 43,2 tỷ USD) tiết kiệm ngân sách. Mặc dù phần lớn khoản này được kỳ vọng đến từ cắt giảm chi tiêu, các đề xuất gần đây đã đề cập tới khả năng điều chỉnh chính sách lương hưu và phúc lợi xã hội, bao gồm việc xem xét đình chỉ cơ chế điều chỉnh lương hưu theo lạm phát và điều chỉnh khoản hoàn thuế 10% cho người nghỉ hưu được áp dụng từ thập niên 1970.

Những biện pháp tài khóa nêu trên đã vấp phải phản ứng từ các đảng đối lập, trong đó có Đảng Xã hội và Tập hợp Quốc gia, khi cho rằng đây là cơ sở để đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm nếu chính phủ không có động thái cụ thể đáp ứng các yêu cầu xã hội. Trong đó, một trong những điều kiện then chốt là cam kết khởi động lại đàm phán giữa các bên liên quan về cải cách lương hưu năm 2023, với mục tiêu đưa độ tuổi nghỉ hưu trở lại mức 62.

Theo quy định, để một đề xuất bất tín nhiệm thành công, cần ít nhất 289 trong tổng số 577 nghị sĩ Quốc hội bỏ phiếu tán thành. Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Bayrou chỉ có được sự ủng hộ tích cực từ khoảng 210 nghị sĩ. Nếu tình trạng chia rẽ trong nội bộ các đảng liên minh tiếp tục lan rộng, cán cân nghị trường có thể biến động theo hướng bất lợi cho chính phủ trong thời gian tới.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-phu-thieu-so-cua-thu-tuong-phap-francois-bayrou-doi-mat-nguy-co-mat-tin-nhiem-20250514114348296.htm
Zalo