Chính phủ: Tăng vốn điều lệ giúp VEC đầu tư hàng loạt cao tốc
Chính phủ cho biết nếu được Quốc hội đồng ý tăng vốn điều lệ, VEC sẽ đẩy nhanh việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành trong năm nay.
Chiều mai (17-2), Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Để chuẩn công tác trên, tại phiên họp ngày 14-2, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiến hành rà soát lần cuối về các đề xuất và thống nhất trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho VEC lên hơn 38.000 tỉ đồng.
Ngày sau đó, Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị xem xét tăng vốn điều lệ cho VEC.
Tại tờ trình này, Chính phủ tiếp tục khẳng định hiện vốn điều lệ của VEC là hơn 1.115 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc của VEC là rất lớn. Điều này khiến VEC luôn gặp khó khăn khi không đảm bảo tỉ lệ hệ số nợ/vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thêm vào đó, kế hoạch đầu tư được các cấp thẩm quyền phê duyệt, VEC cần khoảng 138.350 tỉ đồng để đầu tư cao tốc.

VEC lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án đường bộ cao tốc nếu được Quốc hội đồng ý tăng vốn điều lệ. Ảnh: N.HÂN
Trường hợp không được tăng vốn, VEC rất khó huy động tiền từ ngân hàng cũng như khó phát hành trái phiếu công trình để đầu tư dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn. Trong khi đó, tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền là rất gấp rút.
Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cho VEC lên hơn 38.000 tỉ đồng là “cần thiết và cấp bách”, để doanh nghiệp nhà nước này đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, thực hiện đầu tư dự án.
Chính phủ cũng cho biết, nếu được Quốc hội chấp thuận tăng vốn điều lệ VEC sẽ triển khai ngay các dự án gồm: Đẩy nhanh tiến độ dự án Bến Lức - Long Thành để đảm bảo hoàn thành trong năm 2025, hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai thực hiện những hạng mục còn lại của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Số tiền để VEC tăng vốn điều lệ được Chính phủ đề xuất lấy từ vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước là 10.062 tỉ đồng, vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách Nhà nước là 24.127 tỉ đồng và 2.500 tỉ đồng từ vốn cấp phát Nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC là hết sức cần thiết ngay tại thời điểm này, nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong việc đầu tư đường cao tốc, góp phần tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đảm bảo cho VEC hoạt động phát triển bền vững.
Năm 2004, VEC được Bộ GTVT thành lập để thay mặt Nhà nước đầu tư, quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí các tuyến đường cao tốc quốc gia.
Hiện VEC làm chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, chiều dài 550 km gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Tổng mức đầu tư cả 5 tuyến này lên đến 108.865 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 44.4%, còn lại là VEC huy động.