Chính phủ sắp ban hành Nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà
Thủ tướng yêu cầu Nghị định cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về điện mặt trời.
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định), ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành trong tuần tới.
Thủ tướng yêu cầu, Nghị định cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về điện mặt trời.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt với mức giá bằng giá trung bình năm trước; mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan bám sát tình hình, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch liên quan khi cần thiết.
Trước đó, ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch điện VIII.