Chính phủ quy định 2 phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Theo Nghị định, thanh toán tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.
2 phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ
Cụ thể, theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, thanh toán tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.
Trong đó: Phương thức mở là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện.
Phương thức kín là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Nghị định nêu rõ, các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc; các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc nối tiếp nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín theo hình thức điện tử không dừng.
Các trạm thu phí đường bộ không nằm trên đường cao tốc phải triển khai thu tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và duy trì mỗi trạm thu phí đường bộ có 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc 1 làn xử lý sự cố (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và một dừng) trên mỗi chiều lưu thông theo quy định.
Việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm thu phí đường bộ, hình thức vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ và phương thức thu tiền sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Quyền, nghĩa vụ của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đối với chủ phương tiện
Theo Nghị định, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông hướng dẫn sử dụng, bảo hành thẻ đầu cuối gắn cho chủ phương tiện trong trường hợp Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ; hướng dẫn chủ phương tiện cách thức sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin tra soát, khiếu nại của chủ phương tiện: Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần) và qua trụ sở/chi nhánh của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông; bảo đảm xác thực những thông tin cơ bản mà chủ phương tiện đã cung cấp cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông;
Thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của chủ phương tiện.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đã được thực hiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện đến ngày 1/7/2026.