Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC, mục tiêu lãi 6.700 tỷ đồng mỗi năm
Theo Đề án cơ cấu lại SCIC, Chính phủ giao cho tổng công ty loạt chỉ tiêu bình quân hàng năm như doanh thu đạt 9.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.400 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới ký Quyết định số 690 phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đến năm 2025".
Mục tiêu là cơ cấu lại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định.
Thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào doanh nghiệp, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các doanh nghiệp, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như: công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hằng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai,..
Đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Củng cố SCIC đảm bảo đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.
SCIC sau khi cơ cấu lại có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ổn định và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Đổi mới tổ chức, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Đầu tư vào các dự án trọng điểm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của SCIC; cơ cấu lại vốn đầu tư tại các công ty con, tạo ra các doanh nghiệp trong SCIC có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo các cân đối lớn của Nhà nước trong các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.
Với kế hoạch này, Chính phủ giao cho SCIC loạt chỉ tiêu bình quân hàng năm như doanh thu đạt 9.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10%; tỉ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đạt 9,6%, nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.400 tỷ đồng.
SCIC tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn đến năm 2025. Doanh nghiệp do SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ như hiện tại (gồm 1 doanh nghiệp): Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC.
7 Doanh nghiệp do SCIC nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP; Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải; Công ty Cổ phần Cảng Quảng Bình; Cổng ty Cổ phần Cảng Thuận An (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận); Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng; Tổng Công ty Sông Đà - CTCP.