Chính phủ kiến nghị ban hành một luật sửa nhiều luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết trong năm 2023 và năm 2024 không có tình trạng xin rút các dự án luật đã có trong chương trình. Tuy nhiên, để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một luật sửa nhiều luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp thứ 8.
Ngày 10-9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, từ tháng 10-2023 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 24 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và 21 dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Quốc hội thông qua 26 dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 9 dự án luật. “Đặc biệt, trong năm 2023 và năm 2024 không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong chương trình”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp thông tin.
Về kết quả rà soát văn bản trên cả nước trong năm 2023, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, tổng số văn bản rà soát là 33.061 văn bản, tăng 3.943 văn bản so với năm 2022. Tổng số văn bản đã xử lý sau rà soát là 5.029/5.771 văn bản, tăng 938 văn bản so với năm 2022.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, Chính phủ hiện đang chỉ đạo thực hiện thêm một số nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản và rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Mặc dù vậy, theo cơ quan của Quốc hội, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể vẫn tồn tại. Thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để, số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều…
Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chuẩn bị thông tin để hoàn thiện báo cáo, trong đó lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng thể chế cũng như để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản sai sót, vi phạm. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.