Chính phủ Hàn Quốc hành động khẩn để ứng phó thuế quan Mỹ

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất ô tô...

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo - Ảnh: Reuters

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo - Ảnh: Reuters

Ngày 2/4 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng với hơn 180 quốc gia trên thế giới, với mức thuế quan cơ sở 10% và cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ khoảng 60 đối tác thương mại. Trong đó, Trung Quốc bị áp thuế quan bổ sung 34%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%...

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết thuế quan cơ sở 10% có hiệu lực từ ngày 5/4, còn thuế suất cao hơn có hiệu lực từ ngày 9/4.

Trước tình hình này, chính phủ các nước, đặc biệt là những nước bị áp thuế quan cao nhanh chóng có phản ứng. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 3/4 đã yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất ô tô.

Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, ông Han cũng yêu cầu Bộ Công nghiệp Hàn Quốc phân tích nội hàm của thuế quan Mỹ và chủ động đàm phán với Washington nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan đối ứng tới doanh nghiệp nước này.

“Chiến tranh thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực, Chính phủ Hàn Quốc phải dồn mọi nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này”, Quyền Tổng thống Hàn Quốc phát biểu tại cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính và các quan chức cấp cao khác.

Tại sự kiện công bố thuế quan đối ứng ngày 2/4 tại Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ đích danh hai đồng minh ở châu Á của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc hai nước này là những quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất khi thực hiện hoạt động thương mại không công bằng với Mỹ.

Theo các nhà phân tích tại Seoul, đợt thuế quan mới của ông Trump cao hơn và áp dụng với nhiều quốc gia hơn dự báo. Điều này “phủ bóng đen” lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc.

“Với nền kinh tế Hàn Quốc, đây là một cú sốc lớn”, nhà kinh tế Park Sang-hyun tại công ty iM Securities, nhận xét. “Rõ ràng các mặt hàng xuất khẩu lớn như ô tô sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và xuất khẩu sang Mỹ từ các cơ sở sản xuất tại Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chịu tác động mạnh”.

Ông Trump cũng sẽ áp thuế quan bổ sung 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam - nơi các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics đang đặt cơ sở sản xuất.

Chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc mở phiên sáng 3/4 giảm 2,7% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây, trong đó nhóm cổ phiếu ô tô sụt xuống mức nhất hơn 14 tháng. Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chup cũng lao dốc, riêng cổ phiếu của công ty sản xuất pin LG Energy Solution giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho biết các nhà chức trách nước này sẽ triển khai mọi công cụ có thể để bình ổn thị trường tài chính trong trường hợp biến động quá mạnh. Tuyên bố này được đưa ra tại một cuộc họp khác giữa ông Choi và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cùng một số quan chức tài chính khác.

Theo dự kiến, Quyền Tổng thống Hàn Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp với khu vực kinh tế tư nhân trong ngày 3/4 để thảo luận về biện pháp ứng phó với thuế quan Mỹ.

Trước thông báo về thuế quan đối ứng của ông Trump, các quan chức Hàn Quốc đã tích cực làm việc để được Mỹ miễn trừ với lý do Seoul đang áp mức thuế quan gần như bằng 0 với hàng hóa Mỹ theo một hiệp định thương mại tự do toàn diện với Washington. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không thành công.

Tương tự Hàn Quốc, EU cũng bị áp thuế quan bổ sung cao hơn dự báo với 20%. Phản ứng với quyết định của ông Trump, các nhà lãnh đạo EU bày tỏ sự thất vọng và tuyên bố sẽ đồng loạt trả đũa.

Thủ tướng Ireland Micheál Martin nói rằng thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump “gây hại cho nền kinh tế thế giới” và hủy hoại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

“Chúng tôi không thấy lý do chính đáng nào cho việc này”, ông Martin nhận xét. “Mỹ và EU giao dịch hơn 4,2 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ mỗi ngày. Việc phá vỡ mối liên hệ chặt chẽ này không mang lại lợi ích cho bên nào cả”.

Đồng quan điểm, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói rằng thuế quan của ông Trump đi ngược lại sự cạnh tranh tự do vốn là nền tảng cho thành công ở phương Tây.

"Chúng tôi không muốn rào cản thương mại ngày càng tăng. Chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh thương mại... Chúng tôi muốn trở lại con đường thương mại và hợp tác với Mỹ, để người dân ở cả hai quốc gia có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Kristersson phát biểu.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định nước này sẽ "Làm mọi việc có thể để đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể làm suy yếu phương Tây và làm lợi cho các nền kinh tế khác trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lokke Rasmussen nói rằng tất cả đều thua cuộc trong một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-phu-han-quoc-hanh-dong-khan-de-ung-pho-thue-quan-my.htm
Zalo