Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên
Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025.
Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, đánh giá đầy đủ tác động đối với kinh tế - xã hội nước ta để xây dựng kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ.
Khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; tăng cường trao đổi thông tin, cùng đề xuất phương hướng hợp tác hiệu quả, thực chất thời gian tới phù hợp với các nỗ lực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước.

Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý 1 năm 2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP để thực hiện trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025, bảo đảm đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2025 phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ;
Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026 và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; hoàn thành trong tháng 4/2025; khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ.
Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ; nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.
Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch
Các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương thực hiện tổng kết việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025, đánh giá cụ thể, khách quan kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế làm cơ sở đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định, trình Chính phủ trong tháng 7/2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trong tháng 4/2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 139/TB-VPCP ngày 28/3/2025 của Văn phòng Chính phủ...
Phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm dần lợi thế dựa vào chi phí thấp, ưu đãi thuế, phát triển các cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị; tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ trình duyệt và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện lớn, lưới điện quan trọng, tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào (trường hợp thiếu điện thì Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm); theo dõi sát diễn biến thị trường, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động các giải pháp điều hành, cân đối cung cầu xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, đột phá (kể cả các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù (nếu cần), cơ chế "luồng xanh" cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu và chuỗi cung ứng
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng, khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương; tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại toàn quốc, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp...
Các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta; tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khẩn trương kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil... Tích cực trao đổi với các cơ quan của Hoa Kỳ để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên.
Mở rộng hệ thống Cơ quan thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững; báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt thép... (nhất là việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker), báo cáo Chính phủ trước ngày 15/4/2025.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, kích cầu, thu hút khách du lịch hè năm 2025; phối hợp với Bộ Xây dựng để có phương án quản lý giá vé máy bay phù hợp, thúc đẩy du lịch trong nước, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.