Chính phủ đề xuất cho phép Hải Phòng được bán hơn 4.100 căn chung cư công
Chính phủ đề xuất cho phép Hải Phòng thí điểm bán 4.170 căn chung cư công hình thành sau năm 1994 đến 2025, kỳ vọng thu về 4.500 tỷ đồng để tái đầu tư hạ tầng, giáo dục, y tế...

Khu chung cư Đổng Quốc Bình, Hải Phòng
Trước thực trạng nhiều công trình chung cư thuộc tài sản công có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đề xuất cho phép Hải Phòng được bán hơn 4.100 căn chung cư công, kỳ vọng thu về 4.500 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 4.170 căn hộ tại 12 khu chung cư được đầu tư theo chương trình cải tạo chung cư cũ trong giai đoạn từ sau năm 1994 đến năm 2025.
Trong số này, có 6 chung cư được xây dựng với mục đích tái định cư cho các hộ dân di dời từ chung cư cũ xuống cấp hoặc phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng gồm: Khúc Thừa Dụ, Vĩnh Niệm, Cát Bi (khu T), Kênh Dương, Đông Khê và lô 27 Lê Hồng Phong.
6 chung cư còn lại đưa vào sử dụng từ năm 2017, bao gồm: N1 - N2 Lê Lợi, U19 Lam Sơn, D2 Đồng Quốc Bình, HH1 – HH2, HH3 – HH4 Đồng Quốc Bình và 75 Lý Thánh Tông (quận Đồ Sơn).
Qua thời gian khai thác, một số công trình có dấu hiệu hư hỏng kết cấu. Cùng với đó, giá thuê được áp dụng từ năm 2024 về trước vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung, thành phố vẫn đang phải thực hiện trợ giá. Đồng thời chi phí vận hành, bảo trì tăng đều qua từng năm do công trình xuống cấp, tạo gánh nặng không nhỏ cho ngân sách Hải Phòng.
Hiện nhiều hộ thuê căn hộ có nguyện vọng được mua lại để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, pháp luật về nhà ở chỉ quy định việc bán nhà ở cũ thuộc tài sản hình thành từ năm 1994 trở về trước, chưa có cơ chế cho phép bán nhà ở thuộc tài sản công hình thành sau thời điểm này.
Trước thực tế nêu trên, trong đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, UBND TP Hải Phòng đề xuất được thí điểm bán 4.170 căn chung cư thuộc tài sản công hình thành từ sau năm 1994 đến 2025, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho hàng nghìn hộ dân và thu về khoảng 4.500 tỷ đồng để tái đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng.
Mới đây, tại phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành Phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã đề xuất cho phép Hải Phòng được bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do thành phố xây dựng từ ngân sách Nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau năm 1994 đến trước ngày 1/1/2025 cho một số đối tượng.
Gồm: các hộ dân thuộc đối tượng di dời các chung cư cũ hoặc các hộ dân đã được ký hợp đồng thuê nhà chung cư đó với thành phố từ sau năm 1994 đến trước ngày 1/1/2025; các hộ dân thuộc đối tượng phải di dời do giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố hoặc thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội.
Trình tự, thủ tục bán nhà ở được thực hiện như trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, chính sách này được đề xuất trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố Hải Phòng, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người dân, đảm bảo an sinh, xã hội; tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước; giảm chi phí quản lý, bảo trì cho ngân sách thành phố; tăng thu ngân sách cho thành phố để tái bổ sung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí chủ trương bán nhà ở thuộc tài sản công hình thành sau năm 1995 đến năm 2025.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cần quy định cụ thể về cơ chế định giá, thẩm quyền định giá, trách nhiệm cá nhân trong trường hợp làm thất thoát tài sản Nhà nước; bảo đảm lợi ích, ổn định đời sống người dân.