Chính phủ đề xuất cấm mua, bán dữ liệu cá nhân

Trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan gây nguy cơ trục lợi, lừa đảo, Chính phủ đề xuất cấm việc mua, bán dữ liệu cá nhân.

Chiều 5-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Phạm Thắng

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: Phạm Thắng

Tờ trình của Chính phủ cho rằng Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21).

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cho thấy, hiện có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân, không xác định được các luồng xử lý dữ liệu.

Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, không thể lấy ý kiến về sự đồng ý đối với những dữ liệu cá nhân đã thu thập.

Điều đó cho thấy các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, công dân chưa biết cách tự bảo vệ, chưa biết cách khiếu kiện, phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mặc dù Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đã quy định dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, thực tế tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Theo báo cáo về tình hình nguy cơ an toàn thông tin tại Việt Nam năm 2024, tấn công mã hóa dữ liệu kết hợp đánh cắp thông tin cá nhân lên đến 10 terabyte, gây tổng thiệt hại ước tính lên đến 11 triệu USD; 14,5 triệu tài khoản ở Việt Nam bị rò rỉ, chiếm 12% toàn cầu.

Bộ Công an phát hiện, đấu tranh, xử lý một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam (lên tới hàng ngàn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm ). Trong năm 2023, phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên các nền tảng, diễn đàn (BreachedForums, Telegram, Facebook); cung cấp dịch vụ tra cứu dữ liệu cá nhân công dân Việt Nam (dữ liệu thời gian thực).

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức về xử lý dữ liệu cá nhân hiện nay song hành với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và có các quy định rõ ràng về việc bảo đảm các quyền của chủ thể dữ liệu.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ giúp nâng cao nhận thức của tất các cả đối tượng (cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chế tài được áp dụng sau khi ban hành Luật cũng mang tính răn đe, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tuân thủ các quy định trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

Chính vì vậy, tại Điều 7 dự thảo luật quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Xử lý dữ liệu cá nhân trái luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến Nhà nước, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu của cơ quan chức năng; lợi dụng bảo vệ dữ liệu để vi phạm pháp luật; thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu trái quy định; mua, bán dữ liệu cá nhân; cố ý chiếm đoạt, làm lộ hoặc làm mất dữ liệu cá nhân.

Chính phủ đề nghị QH xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-phu-de-xuat-cam-mua-ban-du-lieu-ca-nhan-196250505155230324.htm
Zalo