Chính phủ đã ban hành nghị quyết, sắp chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức ngày 8/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vài ngày tới sẽ ban hành quyết định và tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng yếu kém còn lại.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét, xác định rõ mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, đặc biệt, xác định rõ vị thế chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

"Đây là sự chuyển hướng, xác định vị thế các chính sách lựa chọn đúng đắn, bởi trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường, không thể có hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều mở rộng" - Thống đốc NHNN nói.

Ngân hàng rút ra nhiều bài học sau biến cố

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, năm 2024 là năm rất nhiều khó khăn, áp lực nhưng NHNN bám sát diễn biến tình hình, chủ động điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm, liều lượng hợp lý và cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, có những điểm nhấn trong năm 2024.

Theo đó, chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, giảm được mặt bằng lãi suất, trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế còn cao, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tín dụng cả năm tăng 15,08%, bằng chỉ tiêu định hướng, đặc biệt, cuối năm 2024, NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các tổ chức tín dụng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

"Năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng; còn 2 ngân hàng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới NHNN sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao".

Bên cạnh đó, NHNN và Bộ Xây dựng thống nhất cho phép các tổ chức tín dụng không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

"Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, sau những biến cố, vụ việc xảy ra, hệ thống ngân hàng nhận diện được nhiều vấn đề, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và đưa các quy định sửa đổi vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng chủ động từ sớm, từ xa" - Thống đốc nêu rõ.

Như vậy, NHNN hoàn tất chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán. Trước đó, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã được hoàn tất chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào ngày 17/10. Việc chuyển giao hai ngân hàng yếu kém còn lại bao gồm Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank) sẽ được tổ chức trong vài ngày tới.

Chính phủ đã ban hành nghị quyết, sắp chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém GPBank và DongA Bank.

Chính phủ đã ban hành nghị quyết, sắp chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém GPBank và DongA Bank.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được tăng cường. Hệ thống ngân hàng ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp và người dân đi đôi với thúc đẩy chuyển đổi số, đến nay nhiều ngân hàng có trên 90% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Trong quá trình này, NHNN nhận thấy cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 thực sự là nguồn tài nguyên quý giá, hữu dụng, việc tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu này tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời, cũng góp phần ngăn ngừa tình trạng tội phạm trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, năm 2024, ngành ngân hàng cũng tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, khắc phục bão lũ, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tổng cộng hệ thống ngân hàng chi cho an sinh khoảng 2.000 tỷ đồng.

Còn dư địa huy động vốn trong và ngoài nước

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1% và 71 chỉ tiêu khác.

Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025 được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhắc đến, NHNN được giao tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Thống đốc NHNN nhất trí với chủ đề đề nhấn mạnh "tăng tốc bứt phá", xác định vị thế chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như năm 2024. NHNN sẽ bám sát diễn biến tình hình, phối hợp tốt với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Khai thác tốt động lực từ cầu nội địa

"Với vai trò là ngân hàng Trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN kiến nghị bên cạnh động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dựa vào cầu nước ngoài như những năm qua, cần có giải pháp khai thác mạnh mẽ cầu trong nước. Chúng ta đang có lợi thế của một quốc gia có dân số hơn 100 triệu dân" - Thống đốc NHNN kiến nghị.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tập trung đột phá, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi số; gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như tăng năng suất lao động. Cùng với đó, tập trung huy động nguồn vốn trong nước và cả nước ngoài, khi dư địa về nợ công, nợ nước ngoài của chúng ta vẫn cho phép.

"Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn đảm bảo được các cân đối lớn của vĩ mô, cũng như bảo đảm ổn định được thị trường tiền tệ và ngân hàng" - bà Hồng nói.

Về việc triển khai, tích hợp Đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cần tập trung ưu tiên xây dựng và làm giàu hệ thống dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Qua đó, giúp việc quản lý nhà nước nói chung, quản lý hoạt động ngân hàng, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho việc minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-phu-da-ban-hanh-nghi-quyet-sap-chuyen-giao-bat-buoc-2-ngan-hang-yeu-kem-168237.html
Zalo