Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier mất phiếu tín nhiệm, bị bãi nhiệm trong vòng chưa đầy 3 tháng
Chính phủ của Thủ Tướng Pháp Michel Barnier đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Pháp, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị và làm dấy lên mối lo ngại về ngân sách của đất nước trong năm tới.
Sớm sớm hôm nay 5/12, 331 thành viên của 577 ghế tại Hạ viện của Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu bãi nhiệm chính phủ thiểu số trung dung của Barnier, đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn chính trị khi phải đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, tờ Al Jazeera đưa tin.
Theo Al Jazeera, cuộc bỏ phiếu được kích hoạt bởi các đảng đối lập cực tả và cực hữu sau khi Barnier sử dụng các quyền hạn đặc biệt để thúc đẩy các biện pháp ngân sách mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Chính phủ của Barnier trở thành chính phủ đầu tiên trong hơn 6 thập kỷ bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, và ông dự kiến sẽ đệ đơn từ chức của mình và của chính phủ lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Euronews, Barnier đã trở thành Thủ Tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa Pháp sau khi liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) cánh tả và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đoàn kết để loại bỏ ông trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ở tuổi 73, Barnier chỉ giữ chức Thủ Tướng trong 91 ngày, trong khi chính phủ của ông, bao gồm các Bộ trưởng trung dung và cánh hữu, chỉ tồn tại được 74 ngày, Euronews đưa tin.
Chính phủ của Barnier đã trở thành mục tiêu của hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi sử dụng Điều 49.3 của hiến pháp Pháp để bỏ qua cuộc bỏ phiếu của Quốc hội và thúc đẩy thông qua dự luật ngân sách an sinh xã hội, Euronews đưa tin. Dự luật ngân sách an sinh xã hội hiện đã bị bác bỏ.
Barnier lãnh đạo một chính phủ thiểu số mong manh bao gồm đảng trung dung của Tổng thống Macron và đảng cánh hữu Les Republicains (LR), nhưng liên minh này không chính thức và không có đa số tuyệt đối. RN, với 124 ghế trong Quốc hội, có ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh chính trị.
Theo hiến pháp hiện hành, Macron không thể triệu tập cuộc bầu cử lập pháp mới cho đến tháng 7 năm sau, nghĩa là bất kỳ chính phủ mới nào cũng cần phải có sự tham gia của nhiều đảng phái, theo Euronews.