Chính phủ cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật ATTP (sửa đổi), Luật Dân số

Sáng nay (22/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật ATTP (sửa đổi); Luật Dân số.

Theo chương trình, phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến về 7 nội dung, trong đó có 6 nội dung về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật: Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; đề nghị xây dựng Luật ATTP (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số; đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Cũng trong phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ về xây dựng pháp luật tháng 5/2025. Ảnh: VGP.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ về xây dựng pháp luật tháng 5/2025. Ảnh: VGP.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, "đột phá của đột phá", được Đảng, nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt trong thời gian qua, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", đơn cử như những vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, vệ sinh ATTP…

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 197, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140 để kịp thời triển khai, đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình trao đổi, thảo luận. Ảnh: VGP.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình trao đổi, thảo luận. Ảnh: VGP.

Hoan nghênh, biểu dương các bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng các dự thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị quyết liên quan công tác xây dựng và thực thi pháp luật, cũng như chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, với tư duy thể chế, pháp luật vừa là nguồn lực, động lực của sự phát triển, công tác xây dựng thể chế, pháp luật được đổi mới theo hướng thay đổi tư duy từ tập trung vào quản lý, không quản được thì cấm sang kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việc sửa đổi luật được thực hiện theo tinh thần 6 rõ: Những nội dung kế thừa, lược bỏ, vì sao; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, vì sao; những nội dung bổ sung, vì sao; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì sao; những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Cùng với đó, xây dựng các luật mới trên tinh thần 7 rõ: Đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào; những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì; những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp; những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì; việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào; việc phân cấp, phân quyền như thế nào; các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình trao đổi, thảo luận; trình bày báo cáo, phát biểu rõ ràng ý kiến; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm chất lượng của các dự án luật, các nội dung được trình Chính phủ xem xét tại phiên họp.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-phu-cho-y-kien-ve-de-nghi-xay-dung-luat-attp-sua-doi-luat-dan-so-169250522095029344.htm
Zalo