Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 370/QĐ TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo quán triệt chủ trương của Đảng, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế - xã hội, tập trung phát triển trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng và hệ thống phòng thủ quốc gia; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.

Đến năm 2030, Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước. Ảnh: Báo Chính phủ

Đến năm 2030, Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước. Ảnh: Báo Chính phủ

Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.

Kế hoạch này yêu cầu đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương.

Đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập quốc tế.

Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng.

Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công có tính dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội để tạo ra sự phát triển đột phá, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương theo hướng giá trị cao và hiệu quả cao.

Đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông thủy nội địa, cảng biển, sân bay, cấp nước, giáo dục, y tế.

Tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch với tinh thần “Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả” đi đôi với các cơ chế, chính sách thông thoáng, phát triển hạ tầng chiến lược nhanh, hiện đại, cơ chế quản trị thông minh, phù hợp với xu thế mới; khai thác hiệu quả các động lực phát triển mới là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế tri thức và kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thiện thể chế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội để phát triển.

Trước đó, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.

Đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-phu-ban-hanh-ke-hoach-thuc-hien-quy-hoach-vung-dong-nam-bo-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-2050-356847.html
Zalo