Chim va đập máy bay nguy hiểm mức nào?

Cuối tuần qua, thế giới rúng động trước vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng xảy ra tại Hàn Quốc khiến ít nhất 179 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu đang được điều tra, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng đó là do chim tấn công.

Nghi vấn nguyên nhân do chim va đập

Sáng 29/12, chuyến bay mang số hiệu 7C2216 của hãng hàng không giá rẻ Jeju Air (Hàn Quốc) khởi hành từ thủ đô Bangkok của Thái Lan tới huyện Muan, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc bất ngờ đáp xuống đường băng sân bay Muan bằng bụng, càng đáp không bung ra, gây ma sát nghiêm trọng.

Khi máy bay đâm vào hàng rào sân bay rồi phát nổ, đã có hành khách bị hất văng ra khỏi máy bay và khả năng sống sót là hết sức khó.

Khi máy bay đâm vào hàng rào sân bay rồi phát nổ, đã có hành khách bị hất văng ra khỏi máy bay và khả năng sống sót là hết sức khó.

Máy bay lao thẳng về phía trước rồi đâm vào hàng rào tại sân bay và bùng cháy như quả cầu lửa, khiến toàn bộ 181 người (175 hành khách và 6 phi hành đoàn) trên máy bay thương vong.

Tính đến tối 29/12, lực lượng phòng cháy, chữa cháy Hàn Quốc xác định đã có ít nhất 179 người thiệt mạng. Hai thành viên phi hành đoàn may mắn được cứu thoát nhưng bị thương rất nặng.

Truyền thông Hàn Quốc đánh giá đây là một trong những vụ tai nạn hàng không lớn nhất xảy ra trên đất Hàn Quốc cho đến nay. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ. Trong cuộc họp báo ngắn cùng ngày, ông Lee Jeong-hyeon, Giám đốc cơ quan phòng cháy, chữa cháy Muan nhận định, cơ quan này đang xem xét các nguyên nhân gây tai nạn, không loại trừ có khả năng máy bay va chạm với chim.

Hãng truyền thông Hàn Quốc Yonhap dẫn lời nhiều giới chức sân bay cho biết, khả năng chim đâm vào máy bay khiến bộ phận hạ cánh gặp trục trặc.

Một quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cũng tiết lộ, ngay trước khi xảy ra tai nạn, tháp kiểm soát không lưu địa phương đã cảnh báo nguy cơ va chạm với chim và ít phút sau đó, các phi công trên chuyến bay này cũng báo cáo tình huống khẩn cấp.

Tại sao chim có thể tấn công máy bay?

Câu hỏi đặt ra tại sao những chú chim nhỏ bé có thể uy hiếp an toàn tới máy bay vốn được ví như những "chú chim sắt" khổng lồ?

Trong ngành hàng không, các vụ va chạm liên quan đến chim là một trong những mối đe dọa phổ biến nhất đối với an toàn máy bay và thường xảy ra trong giai đoạn máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.

Mỗi ngày, thường xảy ra hàng chục vụ va chạm với chim và một số vụ có thể gây hậu quả nguy hiểm. Thông thường, khi chim va chạm với khung máy bay thì khó có thể gây ra vấn đề đáng kể với phi công đang bay.

Nhưng có trường hợp chim lao vào phần động cơ máy bay, có thể khiến động cơ mất lực đẩy và phi hành đoàn khó xử lý. Khi động cơ phản lực hút phải một con chim, theo quy trình, phi công phải đưa máy bay hạ cánh khẩn tại sân bay gần nhất.

Nếu chim đâm vào cửa sổ hoặc kính chắn gió dẫn đến nứt kính, buộc phi công phải tìm cách hạ cánh máy bay càng sớm càng tốt.

Ví dụ điển hình là vụ việc năm 2009. Sự cố xảy ra chưa đầy một phút sau khi chuyến bay mang số hiệu 1549 của hãng US Airways rời sân bay LaGuardia ở New York tới bang North Carolina, Mỹ. Khi đó, cơ trưởng Chelsey Sullenberger vội vàng thông báo với tháp kiểm soát không lưu, cho biết cả hai động cơ của máy bay đều bị chim làm hỏng.

Theo hãng tin BBC, cơ trưởng chỉ có một chút thời gian để đưa ra quyết định xem nên cố gắng hạ cánh trên đường băng hay mạo hiểm hạ cánh trên sông Hudson. Sau khi đánh giá tình hình và kết luận không thể hạ cánh trên đường băng, cơ trưởng đã chọn hạ cánh xuống dòng sông đang có nhiệt độ âm 7 độ C với tốc độ 140 dặm/giờ. Rất may, tất cả 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.

Va chạm tầm càng cao càng nguy hiểm

Giới chuyên gia hàng không nhận định, những chiếc máy bay nhỏ thường dễ bị ảnh hưởng vì nguy cơ bị chim tấn công hơn máy bay lớn.

Một đàn chim bay bao vây một máy bay khi phương tiện này đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Reagan, Washington năm 2015.

Một đàn chim bay bao vây một máy bay khi phương tiện này đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Reagan, Washington năm 2015.

Tuy nhiên, do các vụ va chạm với chim chủ yếu xảy ra trong quá trình cất cánh, hạ cánh nên những sự cố này có thể khiến phi công mất tập trung trong thời khắc cực kỳ quan trọng, vốn đòi hỏi phi hành đoàn hết sức chú ý.

Trong một số trường hợp, các vụ va chạm với chim xảy ra ở độ cao lớn hơn khi máy bay đang trong hành trình. Những cú va chạm này nguy hiểm hơn những vụ va chạm ở độ cao thấp, thậm chí gây ra tình trạng giảm nhanh áp suất trong cabin.

Đáng nói hơn, môi trường xung quanh sân bay lại rất hấp dẫn các loài chim, do đó làm tăng khả năng máy bay bị chim tấn công. Khi mùa mưa tới, mưa lớn để lại những vũng nước lớn trên các bãi đất trống gần sân bay, thu hút côn trùng sinh sản, đồng nghĩa càng thu hút chim tới những vùng này.

Một số lý do khác thu hút chim hoạt động nhiều quanh sân bay là do sự hiện diện của các bãi chôn lấp hoặc bãi xử lý chất thải gần đó.

Để giảm thiểu nguy cơ va chạm giữa chim và máy bay, ngành hàng không và giới khoa học quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp và công nghệ.

Theo BBC, nhiều sân bay đã triển khai hệ thống radar để theo dõi hoạt động của chim trong thời gian thực, giúp kiểm soát không lưu và phi công sớm phát hiện sự hiện diện của chim, điều chỉnh lộ trình bay để tránh va chạm.

Trong đó, sân bay Schiphol ở Hà Lan đã áp dụng hệ thống radar 3D tiên tiến để giám sát hoạt động của chim trong bán kính 10km quanh sân bay, giúp xác định sớm các mối đe dọa và đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời. Schiphol cũng giữ cỏ ở độ cao từ 12 - 20cm để hạn chế chim tìm nơi trú ẩn, che kênh rạch bằng lưới hoặc bóng nổi để ngăn chim nước tiếp cận.

Schiphol có đội ngũ kiểm soát chim hoạt động 24/7, sử dụng các biện pháp như pháo sáng, laser xanh và âm thanh cảnh báo để xua đuổi chim khỏi khu vực.

Máy bay phản lực hiện đại thường được bổ sung thêm các tính năng đề phòng nguy cơ va chạm. Chẳng hạn máy bay chở khách như Boeing 737 hoặc Airbus A320 được thiết kế để có thể hạ cánh an toàn dù chỉ còn một động cơ duy nhất hoạt động.

Hai nhà sản xuất Boeing và Airbus thường kiểm tra độ an toàn của động cơ máy bay bằng cách bắn một con gà đông lạnh với tốc độ cao vào động cơ khi đang hoạt động hết công suất.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chim-va-dap-may-bay-nguy-hiem-muc-nao-192241230222823146.htm
Zalo