Chim chèo bẻo vẫn hát
Là yêu, thì vô tận. Tôi bắt gặp một tình yêu bền bỉ với dân ca khu 5 ở ông, dù tuổi đã ngoài thất thập. Không là nghệ sĩ, không nghệ danh, nhưng ông, Hồ Thanh Hải, là nhân tố, thành viên có thể là cuối cùng gắn với vở dân ca kịch khu 5 nổi tiếng một thời: 'Đội kịch chim chèo bẻo…'.
Sao là chim chèo bẻo? Tôi hỏi. "Loài chim nhỏ bé, nhưng khi bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tổ, chèo bẻo ngoan cường dám đánh và đánh thắng cả những loài ác điểu họ đại bàng", nhạc sĩ Minh Đức trả lời thay người bạn già.
Tôi tin là thế. Bởi không có giải thích nào sát thực hơn với lịch sử hình thành nên vở diễn truyền thuyết "Đội kịch chim chèo bẻo". Chuyện rằng, giữa những năm 60 của thế kỷ trước, trong vùng địch tạm chiếm, Quảng Nam hình thành đội thiếu niên hợp pháp "Chim chèo bẻo". Ngoài liên lạc, cảnh giới cho cán bộ cách mạng, "Chim chèo bẻo" tổ chức luyện tập, biểu diễn văn nghệ phục vụ du kích, người dân… Muốn chơi trò tâm lý chiến, Chi trưởng cảnh sát ngụy lúc đó vừa dụ dỗ vừa đe dọa, buộc đội phải diễn theo kịch bản mà y soạn ra. Tương kế tựu kế, những thiếu niên tuổi 14, 15 vờ đồng ý… Lấy gậy ông đập lưng ông, ngày "diễn báo cáo", trước bàn dân thiên hạ, từ nội dung "chống Cộng", vở kịch thay đổi 180 độ, thành… "thân Cộng"!
Đó là cảm hứng, là chất liệu sinh động để vở dân ca kịch "Đội kịch chim chèo bẻo" (tác giả: Nguyễn Văn Niêm; Chuyển thể: Hoàng Lê) ra đời, theo chân các đoàn văn công giải phóng phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và ngay cả ở các vùng địch chiếm đóng, trong những chiếc hầm trú ẩn, người dân dò sóng radio để được nghe "những bài ca đằng mình", đặc biệt là vở "Đội kịch chim chèo bẻo" do chính những thanh, thiếu niên văn công giải phóng đảm nhận. Một số trong đó có Đoàn Văn công giải phóng huyện Thăng Bình của Hồ Thanh Hải.
"Có lẽ do say mê nhưng cũng nhờ cái duyên. Cuối năm 1967, mỗi lần chú Hồ Anh Tuấn ở Đoàn Văn công khu 5 về công tác ở vùng Đông Thăng Bình, thường đến ở nhà ông nội tôi. Nghe chú hát, ngâm thơ, tôi đòi chú bày và hát, ngâm theo. Chú khen giọng tôi khá, hứa cho học hô hát bài chòi… Giữ lời hứa, chưa đầy 1 tháng sau, chú đưa tôi đi học lớp hô hát bài chòi 3 tháng liền. Cuối năm đó, chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân- 1968, tôi lại được chú Hồ Anh Tuấn giới thiệu vào Đoàn Văn công huyện Thăng Bình, chuẩn bị luyện tập vở diễn "Đội kịch chim chèo bẻo…" để phục vụ người dân vùng đô thị dự kiến sẽ tiếp quản", Hồ Thanh Hải nhớ lại.
"Đội kịch chim chèo bẻo…" là vở diễn thiếu niên nên phải chọn diễn viên thiếu niên. Ở tuổi 15, Hồ Thanh Hải được chọn, đóng vai Thanh- người chồng đi tòng quân cứu nước. Đây cũng là vở diễn, vai diễn đầu đời, khơi nguồn tình yêu dân ca trong Hồ Thanh Hải đến bây giờ.
Với 2 chiếc đèn măng- sông, hai cây đàn nhị, hai cây guitar, ba cây mandolin và một cái trống con, "Đoàn văn công cấp huyện" mà cả diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên cộng lại tròn 20 người, đi phục vụ nhân dân 6 xã vùng cát Thăng Bình, được nhân dân chào đón, chở che và cổ vũ, trong đó đặc biệt hâm mộ vở "Đội kịch chim chèo bẻo…"!
Sau chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, do chiến tranh ác liệt, Đoàn Văn công huyện Thăng Bình giải thể và cuối năm 1968, mỗi người mỗi ngả, nhận những nhiệm vụ khác nhau. Hồ Thanh Hải về Ban Binh vận huyện Thăng Bình, rồi Ban Binh vận tỉnh Quảng Nam. Hết in li-tô đi rải truyền đơn đến vác loa điện kêu gọi lính ngụy bỏ súng quay về với đồng bào, Hồ Thanh Hải góp sức mình vào công cuộc bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước bằng những trận sốt rét, bằng những lần cận kề với cái chết vì đói, vì bom đạn địch và suýt bị bắt làm tù binh…
"Có một chi tiết rất thú vị là địch rất… thích nghe thơ ca cách mạng. Khi chúng tôi hát, địch không bắn nữa… Lúc đó, chúng tôi đã nghĩ đến ngày chiến thắng ", Hồ Thanh Hải cười sảng khoái và buột miệng ngân nga đoạn cao trào: "Bắn vào ai, bắn vào ai khi trong tay tôi đang cầm cây súng Mỹ, nhìn quê hương máu rỉ trong tim. Súng Mỹ cầm tay đạn vẫn nằm im, đồng ruộng bờ tre này quen thuộc quá".
Dự cảm của Hồ Thanh Hải đã đúng, đã đến. Chính cậu bé ngày nào lẽo đẽo theo sau các chú văn công đòi dạy hát, ngày 24-3-1975 tham gia đoàn quân vào giải phóng Tam Kỳ (24-3), tiếp đến là Thăng Bình (26-30, Hội An (28-3) và Đà Nẵng (29-3)…
Non sông thống nhất, Hồ Thanh Hải trải qua nhiều nhiệm vụ, cương vị công tác khác nhau từ địa phương đến Trung ương, nhưng giai đoạn ngắn ngủi tham gia đội ngũ văn công giải phóng và diễn xuất vở dân ca kịch "Đội kịch chim chèo bẻo" vẫn được ông chọn là bước ngoặt của cuộc đời, đưa ông đến với cách mạng, với Đảng và với niềm đam mê Bài Chòi chưa bao giờ hết thôi thúc. Là thành viên sáng lập CLB Những người yêu thích Bài Chòi Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 2012, ông đã cùng các diễn viên đàn anh, đàn chị ở Đoàn Văn công Giải phóng khu 5, Đoàn dân ca kịch Quảng Nam- Đà Nẵng giữ lửa Bài Chòi từ thời nghệ thuật này chưa là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài hàng chục buổi diễn dã, giao lưu; hàng chục bộ đĩa CD sưu tầm, sáng tác dân ca, bài chòi trong kháng chiến; ông còn trực tiếp làm diễn viên trong các trích đoạn những vở diễn ca kịch một thời đi vào lòng người dân xứ khu 5 như "Chuyện tình bên dòng sông Thu", "Khúc hát tình đời", "Một mạng người", "Quê hương dậy sóng"… Và dĩ nhiên, không thể thiếu vở "Đội kịch chim chèo bẻo" năm nào…
Lại hỏi ông, thành phần tham gia "Đội kịch chim chèo bẻo" ngày ấy ai còn ai mất, giọng ông đượm buồn: "Như tôi biết, mình là người cuối cùng…".