Chiêu trò tiếp cận bị hại của ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia lừa đảo tiền ảo

Ổ nhóm tội phạm xây dựng hệ thống nhân viên cấp dưới, đào tạo đi tiếp cận, làm quen bị hại tại các quán cafe, hội thảo... từ đó mời bị hại mua tiền ảo.

Tối 19/2, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin về chuyên án lừa đảo đầu tư tiền ảo. Nhóm tội phạm dụ dỗ nạn nhân mua đồng năng lượng MPX để đào XFI của dự án CrossFi.

Cụ thể, qua công tác trinh sát, Công an quận Cầu Giấy phát hiện ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền ảo).

Những kẻ này hoạt động trá hình, tiếp xúc với nhiều người để quảng bá, dụ dỗ đầu tư tiền ảo tại các quán cafe ở 3 địa điểm tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa. Chúng tổ chức các buổi hội thảo tại một số khách sạn 5 sao ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác như TP.HCM, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đỗ Huy Hoàng. (Ảnh: Đ.T)

Đỗ Huy Hoàng. (Ảnh: Đ.T)

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhận thấy đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, có sự phân công phân cấp quy mô lớn để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự đấu tranh triệt phá.

Ngày 10/2/2025, Công an TP Hà Nội kiểm tra, triệu tập các đối tượng về trụ sở để đấu tranh làm rõ, đồng thời tạm giữ 10 máy tính, 100 điện thoại di động, 21 xe ô tô hạng sang và siêu sang như Rolls-Royce, Mercedes GLS600, Maybach, Lexus LX600....

Căn cứ tài liệu điều tra, đến nay, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 8 kẻ cầm đầu về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Chiếc Rolls-Royce bị tạm giữ trong vụ án (Ảnh: Đ.T.).

Chiếc Rolls-Royce bị tạm giữ trong vụ án (Ảnh: Đ.T.).

Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2023, Đỗ Huy Hoàng và Hoàng Văn Quyết bàn bạc, thống nhất và liên hệ với Alexsandr Mamasidikov (SN 1986, Quốc tịch Uzbekistan) để phân phối bản tiền kỹ thuật số MPX (là đồng tiền do chúng tự tạo lập và không có giá trị) tại Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Chúng tạo ra trang web Crossfi.org và quảng cáo đang hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa trên thế giới. Sau đó, các đối tượng xây dựng và đăng tải nhiều thông tin về dự án tiền mã hóa trong tương lai, tiềm năng của đồng tiền mã hóa XFI để đi chào mời, bán đồng tiền năng lượng MPX. Chúng quảng cáo từ đồng tiền MPX sẽ “đào” được đồng XFI.

Các đối tượng xây dựng hệ thống các nhân viên cấp dưới và đào tạo để đi tiếp cận và làm quen bị hại tại các quán cafe, các hội nghị, hội thảo, từ đó mời bị hại mua đồng năng lượng MPX, tập trung vào các bị hại trung tuổi là người có tiền tiết kiệm...

Chúng còn tổ chức cho người đầu tư đi du lịch ở Dubai, quảng cáo giới thiệu có thể sử dụng thẻ visa tích hợp đồng tiền kỳ thuật số (tiền ảo XFI) để thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng.... can thiệp vào giá trị của đồng XFI để lôi kéo người tham gia đầu tư, nhằm bán được đồng MPX, từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Bước đầu, Công an TP Hà Nội xác định được 1.956 người tham gia đầu tư đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên với số tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng và đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

Đến nay, Công an TP Hà Nội thu giữ và phong tỏa 19 bất động sản, 19 xe ô tô, tiền trong tài khoản khoảng 35 tỷ đồng. Tổng trị giá các tài sản thu giữ và phong tỏa khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, CrossFi, tiền thân là MinePlex, từng gây xôn xao trong giới đầu tư tiền mã hóa khi tự xưng là “ngân hàng điện tử phi tập trung”. Với những lời hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn và mô hình hoạt động rầm rộ, dự án này huy động được hàng triệu USD trong suốt 5 đến 6 năm qua. Tuy nhiên, CrossFi không có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Nguyễn Huệ - Vũ Liễu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chieu-tro-tiep-can-bi-hai-cua-o-nhom-toi-pham-xuyen-quoc-gia-lua-dao-tien-ao-ar926947.html
Zalo