Chiêu trò lách luật bán xe Toyota
Sức hút của xe Toyota Prado là điều không bàn cãi bởi xe luôn trong tình trạng khan hàng, các đại lý đều không có xe giao ngay. Tuy nhiên, nhân viên đại lý hãng Toyota vẫn có thể giao xe cho những ai muốn sở hữu sớm bằng chiêu trò rất bất ngờ.
Tưởng phóng viên là khách hàng tiềm năng, nhân viên đại lý Toyota khá nhiệt tình trong việc tư vấn. Cởi mở đến mức không ngần ngại chia sẻ những chiêu thức lách luật. Để nhận xe sớm, khách hàng sẽ phải đặt cọc rồi thông qua một công ty khác để hợp thức mọi chứng từ mua bán của chiếc xe. Bỏ qua cả đại lý ủy quyền, một kiểu mua bán không ở đâu có.
Nhân viên kinh doanh Toyota Thái Hòa, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Họ sẽ bắt cọc trước 200 triệu, sau khi xe về tận nơi sẽ thanh toán số tiền còn lại, xe sẽ đưa về một đại lý bên ngoài vì các sếp rất ngại bị lộ ra báo chí lại viết, rất phức tạp. Mà hàng gì cũng vậy, không phải riêng gì ô tô, như Toyota không muốn ăn thì lại đẩy về đại lý”.
Vì là dòng xe đắt tiền, khan hiếm và thường được gọi là "xe Chủ tịch", nên để lăn bánh sớm chiếc Prado vào thời điểm này không hề đơn giản, bởi thủ tục giao xe khá lòng vòng, thậm chí không hóa đơn chứng từ, không cần “bia kèm lạc” bằng các gói phụ kiện như trước đây, hàng trăm triệu đồng tiền chênh từ mỗi xe được sale thu trực tiếp, số tiền này đi đâu chẳng ai hay.
Nhân viên kinh doanh Toyota Thái Hòa cho hay: “Lancruiser và Prado thì 4-5 năm nay bên em chẳng có giấy tờ gì cả. Ngày xưa thời Prado trước đây thì kênh 100-200 triệu thì đại lý ăn vừa phải, lắp một vài phụ kiện lên xe thì vẫn xuất hóa đơn cho mình. Anh đừng hỏi đại lý vì không có đâu, những người có xe thường làm lâu năm, có sự kín đáo thì làm việc cho sếp mới gọn gàng chứ anh hỏi đại lý thì không có xe đâu”.
Đại lý không có xe, nhưng muốn thì chỗ khác lại có, nhiều năm nay điều trái với quy luật cung - cầu dường như là điều hiển nhiên với dòng xe cao cấp như Toyota Prado. Sau khi Đài Hà Nội phát sóng về chiếc Prado "bán bia kèm lạc", rất nhiều khán giả lên tiếng đã gặp phải trường hợp tương tự. Chị Hằng, một người ưa thích thương hiệu Toyota không khỏi ngao ngán khi mới đây, chị có ý định mua chiếc Land Cuirser, ngay lập tức đại lý yêu cầu chị bỏ ra hơn 800 triệu tiền phí môi giới để được sở hữu chiếc xe này.
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng - phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết: “Mình không biết chờ khi nào mới có xe, giá sẽ chênh với giá niêm yết từ 700-800 triệu, đây là tiền chênh ngoài chứ không phải ‘bia kèm lạc’, vì mình không được phụ kiện mà mất đứt nguyên số tiền đó”.
Gần đây, Toyota đã ra văn bản khẳng định việc bán "bia kèm lạc" không phải là chủ trương của hãng này. Đồng thời nêu quan điểm nhất quán là “khách hàng đến trước được phục vụ trước”. Quan điểm là vậy, nhưng thực tế việc bán hai giá vẫn cứ diễn ra công khai khiến sự minh bạch trong mua bán bị mất đi.
Ông Hồ Khắc Hùng - thành viên sáng lập diễn đàn Otofun, chia sẻ: “Các sale cứ bảo không có xe đâu, ít lắm, nhưng có thể xe rất nhiều nhưng chơi bài khan hiểm, nên tôi nghĩ cung cầu không phản ảnh thực tế trên thị trường. Các sale cũng có rất nhiều bài, đẩy giá lên hơn 500 triệu, quan trọng là số tiền đó có thể hiện trên hóa đơn không, tôi nghĩ là không và nhà nước mất đi một khoản thu đáng kể”.
Luật sư Nguyễn Phương Việt - Giám đốc Công ty Luật THHH Hợp Phúc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: “Trước đây bia kèm lạc chỉ là phụ kiện đi kèm, tuy nhiên gần đây với trường hợp xe Prado thì lại xuất hiện khái niệm mới là phí môi giới. Trường hợp nhân viên không giao được xe thì rất dễ tranh chấp, người mua rất khó đòi lại tiền”.
Việc nhân viên bán xe "bùng" tiền của khách không phải chuyện hiếm, ngay tại chính đại lý này, một nhân viên tư vấn bán xe đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên 14 năm tù giam khi có hành vi chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng của khách hàng mua xe ô tô qua hình thức đặt cọc.