Chiêu lạ của ôtô Trung Quốc tại Việt Nam, liệu có dễ thành công?

Trong nỗ lực chinh phục khách Việt, bên cạnh xây nhà máy, mở rộng hệ thống đại lý, các hãng xe Trung Quốc còn đang sử dụng một số 'chiêu lạ'.

Làn sóng ôtô Trung Quốc tại Việt Nam đã dẫn đến sự hiện diện của nhiều thương hiệu mới, nhiều sản phẩm mới. Không ít thương hiệu còn khá xa lạ với người Việt, nhưng cũng có hãng xe khá "quen" do đã tìm được thành công ở các thị trường láng giềng.

Điểm chung của phần lớn thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam là hàng loạt khó khăn phải đối diện. Trước thách thức này, các hãng xe Trung Quốc đang tìm đến "chiêu lạ" để lôi kéo khách Việt.

Cho dùng thử xe miễn phí 30 ngày

BYD chính thức ra mắt khách Việt vào tháng 7/2024 với dải sản phẩm thuần điện, gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal. Sau gần một năm "chinh chiến" tại Việt Nam, danh mục sản phẩm của BYD đã tăng hơn gấp đôi, trong đó có sự xuất hiện đáng chú ý của mẫu xe hybrid đầu tiên BYD Sealion 6.

 BYD Sealion 6 là xe hybrid đầu tiên của hãng tại Việt Nam.

BYD Sealion 6 là xe hybrid đầu tiên của hãng tại Việt Nam.

Dù vậy, không thể phủ nhận BYD chưa thể đạt được thành công nhanh chóng như cách mà hãng xe Trung Quốc có được ở các thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị thương hiệu, định kiến của khách Việt hay câu chuyện hạ tầng trạm sạc là những yếu tố ít nhiều cản trở BYD vươn lên sở hữu thị phần số một mảng xe điện tại Việt Nam.

Nhiều khả năng đây là lý do BYD triển khai một chương trình gần như có một không hai tại Việt Nam, cho phép khách hàng sử dụng xe miễn phí trong 30 ngày.

Theo thông tin do tư vấn bán hàng chia sẻ, BYD sẽ cho khách hàng Việt Nam trải nghiệm miễn phí trong 30 ngày với 30 xe mà BYD đang sở hữu, gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 Dynamic, BYD Atto 3 Premium, BYD Seal Advance và BYD Seal Performance.

Hàng tháng, BYD sẽ bốc thăm chọn ngẫu nhiên 30 khách hàng từ danh sách đã đăng ký để tham gia chương trình sử dụng xe miễn phí.

Hãng xe Trung Quốc cho biết trong trường hợp khách hàng có nhu cầu sở hữu xe sau thời gian trải nghiệm, BYD sẽ có thêm chính sách chiết khấu 5-10% giá niêm yết hoặc miễn phí ứng dụng BYD, hoặc các quà tặng phụ kiện tùy loại xe và điều kiện xe.

 BYD cho khách Việt trải nghiệm xe điện miễn phí trong 30 ngày. Ảnh: Phúc Hậu.

BYD cho khách Việt trải nghiệm xe điện miễn phí trong 30 ngày. Ảnh: Phúc Hậu.

Có thể thấy, mục tiêu của hãng xe Trung Quốc với chương trình dùng thử độc đáo này không gì khác ngoài tăng cơ hội trải nghiệm cho khách hàng. Thời gian 30 ngày thử xe cũng được cho là vừa đủ để khách Việt trải nghiệm thực tế vận hành, dịch vụ hãng và nhất là sạc xe.

Bảo hành dài hơi

Tại Việt Nam, thời gian bảo hành phổ biến của ôtô (bao gồm động cơ) dao động 3-5 năm hoặc 100.000-150.000 km, tùy điều kiện nào đến trước.

Chẳng hạn, ôtô Toyota có thời gian bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước. Các xe Hyundai lắp ráp nội địa được bảo hành trong 5 năm hoặc 100.000 km, còn Kia và Mazda có chung thời hạn bảo hành 5 năm hoặc 150.000 km.

Thời gian bảo hành xe phổ biến tại Việt Nam là 3-5 năm. Ảnh: TMV, TC Motor.

Thời gian bảo hành xe phổ biến tại Việt Nam là 3-5 năm. Ảnh: TMV, TC Motor.

MG có chính sách bảo hành 5 năm và không giới hạn số km cho khách hàng sở hữu ôtô du lịch của thương hiệu này.

Với VinFast, hãng xe điện Việt triển khai bảo hành 7-10 năm hoặc 160.000-200.000 km tùy điều kiện nào đến trước cho toàn bộ ôtô tại Việt Nam.

Là những hãng xe Trung Quốc mới gia nhập, Omoda và Jaecoo thuộc tập đoàn Chery gây chú ý với chính sách bảo hành dài hơi. Khách Việt mua xe của 2 thương hiệu này sẽ được bảo hành trong một triệu km di chuyển, hoặc 7 năm đối với xe và 10 năm cho động cơ, tùy điều kiện nào đến trước.

 Omoda và Jaecoo công bố chính sách bảo hành dài hơi cho sản phẩm tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Omoda và Jaecoo công bố chính sách bảo hành dài hơi cho sản phẩm tại Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Như vậy dù số năm bảo hành không quá khác biệt, việc Omoda và Jaecoo cam kết bảo hành xe và động cơ đến một triệu km di chuyển cho thấy 2 hãng xe Trung Quốc đang khá tự tin với chất lượng sản phẩm trong nỗ lực chinh phục khách hàng Việt Nam.

Tất nhiên, chất lượng xe hay khả năng gắn bó lâu dài của Omoda, Jaecoo nói riêng và ôtô Trung Quốc nói chung vẫn cần thêm thời gian kiểm chứng. Trước mắt, việc 2 hãng xe "tân binh" tự tin cam kết bảo hành dài hơi đã thu hút sự chú ý không nhỏ từ khách Việt.

Ôtô Trung Quốc - cơ hội đến đâu?

Hai "chiêu lạ" nói trên chỉ là một vài trong những nỗ lực mà các hãng xe Trung Quốc đang thực hiện để chinh phục khách Việt. Một số hãng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy tại Việt Nam, phần đông đang cố gắng thiết lập mạng lưới đại lý, xưởng dịch vụ rộng lớn như một cam kết gắn bó lâu dài.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam tỏ ra không "dễ xơi" cho các hãng xe Trung Quốc như ở Thái Lan, Indonesia hay Campuchia. Định kiến từ khách Việt hay những câu chuyện chất lượng, khả năng cam kết của xe Trung Quốc trong quá khứ là rào cản lớn nhất mà nhóm thương hiệu ôtô đất nước tỷ dân phải vượt qua.

 Thị trường Việt Nam không "dễ xơi" với xe Trung Quốc, đặc biệt là ôtô điện. Ảnh: Aion Việt Nam.

Thị trường Việt Nam không "dễ xơi" với xe Trung Quốc, đặc biệt là ôtô điện. Ảnh: Aion Việt Nam.

Riêng với xe điện Trung Quốc, câu chuyện trạm sạc vẫn luôn là đề tài bàn luận không hồi kết. Để có thể sinh tồn tại thị trường Việt Nam, xây dựng trạm sạc công cộng gần như là một nhiệm vụ bắt buộc với các hãng xe Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ cần "vượt lên chính mình", các hãng xe Trung Quốc còn phải đối diện thách thức từ các hãng xe đã có mặt lâu đời tại Việt Nam, tạo dấu ấn với khách Việt nhờ thời gian gắn bó tính bằng chục năm. Sự trỗi dậy của VinFast ở mảng xe điện cũng tạo ra thách thức không nhỏ dành cho nhóm thương hiệu xe điện Trung Quốc trong lần đầu chinh phục khách Việt.

Trước mắt, ôtô Trung Quốc đang sử dụng các "chiêu lạ" như trên để thu hút sự chú ý, niềm tin của khách Việt. Việc tung ra các sản phẩm rẻ hàng đầu phân khúc như Geely Coolray hay MG G50 cũng đang là chiến lược được cho là khá hiệu quả với nhóm xe từ đất nước tỷ dân.

Nhìn chung, trong lần đổ bộ này, ôtô Trung Quốc đã đón nhận ánh nhìn có phần thiện cảm hơn từ khách Việt nhờ nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, sự thành công của xe Trung Quốc hay khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu có sẵn tại Việt Nam vẫn còn là câu chuyện dài và cần thời gian kiểm chứng.

Ở góc nhìn ảm đạm hơn, sự rút lui sớm của GAC Aion hay những động thái không rõ ràng từ một vài thương hiệu xe Trung Quốc khác có thể ảnh hưởng tới nhóm ôtô Trung Quốc nói chung. Không phải là câu chuyện chất lượng xe, chính yếu tố đầu tư dài hạn và gắn bó lâu dài vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn lên hầu hết thương hiệu ôtô Trung Quốc tại Việt Nam.

Ồ ạt tới rồi dần rút lui nều không đạt hiệu quả, các hãng xe Trung Quốc sẽ để lại gánh nặng tài chính lên các đối tác Việt Nam và lên các khách hàng tin tưởng. Đây là câu chuyện không mới và rõ ràng nó cần nhiều thời gian và sự cam kết của những "ông lớn" tới từ đất nước tỷ dân.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chieu-la-cua-oto-trung-quoc-tai-viet-nam-lieu-co-de-thanh-cong-post1550706.html
Zalo