Chiến thắng Trảng Bom: Niềm tự hào của quân và dân tỉnh Đồng Nai

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975 kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng thời kết thúc 30 năm cuộc kháng chiến trường chinh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong hành trình của 5 hướng tấn công vào giải phóng Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, chiến thắng Trảng Bom, Đồng Nai ngày 27-4-1975 được coi là trận 'then chốt' mở đầu thắng lợi trong 5 hướng tấn công. Nửa thế kỷ sau ngày chiến thắng, vùng đất Trảng Bom hiện đang vươn mình trỗi dậy, đạt nhiều thành tựu về mọi mặt, xứng tầm của vùng đất 'cửa ngõ' vào TP. Hồ Chí Minh…

Đập tan tuyến phòng ngự Trảng Bom - Hố Nai

Thiếu tướng, PGS. TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 kể lại, lúc đó ông trong đội hình của Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 ngày đó, Quân khu 4 hiện nay) được lệnh nổ súng tấn công Trảng Bom lúc 4 giờ 5 phút ngày 27-4-1975.

Quân giải phóng làm chủ thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) - Ảnh tư liệu

Quân giải phóng làm chủ thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) - Ảnh tư liệu

Sau khi pháo bắn chuẩn bị, từ các hướng, quân ta nhanh chóng mở thông các cửa, đưa lực lượng vào tấn công địch. Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 341 cơ bản tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ từ ngã ba địa phận Sông Thao đến Tây Trảng Bom, dồn lực lượng còn lại của địch về phía Suối Đỉa, Long Lạc (khu vực gần Yếu khu Trảng Bom - thị trấn Trảng Bom ngày nay). 10 giờ 30 phút, toàn bộ quân địch ở Suối Đỉa bị tiêu diệt. Trận đánh Trảng Bom giành thắng lợi mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông. Với kết quả đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mở cửa thành công, tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 cơ động lực lượng vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài phân tích thêm, xét cả thời gian nổ súng mở đầu và thời gian hoàn thành, trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 đã nhanh chóng giành thắng lợi, trong khi các trận chiến đấu khác trên cả 5 hướng tấn công của Chiến dịch Hồ Chí Minh chưa kết thúc. Cụ thể, trên hướng Đông Nam có trận đánh chiếm Cụm căn cứ Nước Trong - Long Thành, kết thúc thắng lợi vào 10 giờ ngày 29-4. Hướng Tây Bắc có trận Đồng Dù, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 25 ngụy, kết thúc vào 14 giờ ngày 29-4, ta “làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài cho hay: “Vừa là nhân chứng trực tiếp vừa là người nghiên cứu lịch sử quân sự, tôi thay mặt các cựu chiến binh Sư đoàn 341 đề nghị Bộ Quốc phòng chính thức công nhận trận đánh Trảng Bom ngày 27-4-1975 là trận “then chốt” giành thắng lợi mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đập tan tuyến phòng ngự Trảng Bom - Hố Nai dài 14km”.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng cho rằng, chiến thắng Trảng Bom ngày 27-4 làm tan rã tuyến phòng ngự liên hoàn từ ấp Hưng Nghĩa qua Trảng Bom lên Hố Nai với chiều dài 14km được bố trí hoàn hảo của địch. Cụ thể, trong tuyến này chúng bố trí lực lượng với 3 chiến đoàn bộ binh (43, 48, 52); 2 chi đoàn thiết giáp (1, 3) và Chiến đoàn 315 tập trung chủ yếu hướng Đông và Đông Bắc, nơi có 7 trận địa pháo binh. Ngoài ra, còn một số đơn vị bảo an, dân vệ được bố trí bên trong các vị trí phòng ngự, như: Chiến đoàn 48 ngăn chặn phía Đông Trảng Bom; Tiểu đoàn 1 ở hướng Đông Bắc Trảng Bom; Tiểu đoàn 2 ở Bàu Cá; Tiểu đoàn 3 và Sở chỉ huy Chiến đoàn 48 đóng ở khu vực ấp Dương Ngơ; Chiến đoàn 43 ở yếu khu và khu vực ga Sông Mây; Chiến đoàn 52 bảo vệ phía Tây Bắc…

Nắm chắc tình hình và thế trận bố phòng của địch, cuối năm 1974, đầu 1975, cục diện chiến trường có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết tâm mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định giải phóng miền Nam ngay trước mùa mưa năm 1975 và ra phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Sau khi giành thắng lợi đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc ngày 21-4-1975, Sư đoàn 341 làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành trận tiến công hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng tiêu diệt quân địch co cụm trong yếu khu Trảng Bom, đập tan một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch, tạo thế và lực giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định, góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh” - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, với quyết tâm đánh trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, sau chưa đầy 5 giờ chiến đấu quyết liệt, đến 10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 hoàn toàn làm chủ Trảng Bom và cả đoạn đường dài 14km trên quốc lộ 1 từ ấp Hưng Nghĩa về Trảng Bom. Thắng lợi Trảng Bom, Sư đoàn 341 lập chiến công lớn trong trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc tấn công của Sư đoàn 341 đã làm thiệt hại nặng 2 trung đoàn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, thu và phá hủy gần 100 xe cơ giới các loại...

Thiếu tướng, PGS. TS. Nhà giáo Nhân dân NGUYỄN VĂN TÀI

Đông đảo cựu chiến binh Sư đoàn 341 trong ngày gặp lại tại hội thảo khoa học ở Đồng Nai, tháng 4-2024

Đông đảo cựu chiến binh Sư đoàn 341 trong ngày gặp lại tại hội thảo khoa học ở Đồng Nai, tháng 4-2024

Vươn lên, đổi mới và phát triển

Kế thừa truyền thống anh hùng cùng những kinh nghiệm quý từ chiến thắng Trảng Bom, gần nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai nỗ lực đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, cùng nhân dân cả nước từng bước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại biểu cựu chiến binh, đoàn thanh niên thăm lại căn cứ Yếu khu Trảng Bom

Đại biểu cựu chiến binh, đoàn thanh niên thăm lại căn cứ Yếu khu Trảng Bom

GRDP của tỉnh Đồng Nai luôn trong nhóm các tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao. Thành phố Biên Hòa trở thành đô thị loại I, thành phố Long Khánh là đô thị sầm uất. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Huyện Xuân Lộc đang đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Long Thành với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai thực hiện...

Các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Đồng Nai được các sở, ngành và địa phương chú trọng thực hiện, đạt kết quả tốt. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại được triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 35 khu công nghiệp với 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư, với hơn 2,1 ngàn dự án. Trong đó, hơn 1,4 ngàn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn trên 30 ngàn triệu USD; vốn thực hiện trên 23,1 ngàn triệu USD và 653 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 80,3 ngàn tỷ đồng.

Gần 50 năm trôi qua, chiến thắng Trảng Bom ngày 27-4-1975 luôn là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom và cả nước. Đồng thời là nguồn động viên, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiếp tục chiến đấu, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai HỒ THANH SƠN

Kế thừa truyền thống anh hùng trong kháng chiến, năng động trong thời bình, huyện Trảng Bom - nơi trực tiếp diễn ra trận tiến công ngày 27-4-1975 có những đổi thay tích cực sau gần 50 năm giải phóng, nhất là năm 2024. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn quan tâm giáo dục truyền thống; ghi nhớ tri ân thế hệ cha anh, người có công với cách mạng để huyện tiếp tục vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Nam Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171814/chien-thang-trang-bom-niem-tu-hao-cua-quan-va-dan-tinh-dong-nai
Zalo