Chiến thắng Thượng Đức mở đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Sau Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trận quân giải phóng tấn công Chi khu quân sự Thượng Đức vào ngày 17/7/1974 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ và khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 50 năm trôi qua, nơi này vẫn còn nguyên hầm hào, công sự và cách đó không xa là cánh đồng xanh rì, làng quê yên bình. Thượng Đức là quận lỵ đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sáu tại tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: Văn Chương
Qua thời bom đạn
Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có những địa danh rất nổi tiếng thời chiến tranh như: Prao, Bến Giằng, Làng Rô, Khâm Đức, Đồi F... Tuyến đường này giờ rầm rập các loại xe vận tải suốt ngày đêm. Có một số doanh nghiệp lớn mang tên của nước ngoài bắt đầu được xây dựng. Cầu Hà Nha bắc qua dòng sông Vu Gia soi bóng những dãy núi nằm ở phía Tây Quảng Nam. Thời trước vì quá nghèo khó, những người đàn bà nơi đây thường đọc câu vè: “Cái nghèo đeo dưới nước/Cái cực bước lên bờ/Gió lay chia nửa con đò/Thân tôi như bụi cỏ xơ ngoài đồng”.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sáu lớn lên trên mảnh đất từng là quận lỵ Thượng Đức, sát đó là Chi khu quân sự Thượng Đức. Ký ức về vùng đất này cứ như cuốn phim quay chậm trong trí nhớ. Ông Sáu dẫn tôi đi qua cánh đồng xanh phẳng lặng, rộng hút mắt như tấm lụa mềm. Nằm giữa cánh đồng là nghĩa trang liệt sĩ hiện ra dưới chân núi. Ông Sáu kể, thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc có rất nhiều người hy sinh, bây giờ thì cuộc sống đã yên bình rồi, vậy mà vẫn còn khoảng 400 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại trên các dãy núi này.
Tại nghĩa trang liệt sĩ, ông chỉ cho tôi những người thân trong gia đình - cha là Nguyễn Lào, anh trai là Nguyễn Văn Lào. Trong số những tấm bia mộ nằm ở hàng đầu tiên, có rất nhiều liệt sĩ là phụ nữ như: Phạm Thị Tôn, Trần Thị Sáu, Đoàn Thị Có, Nguyễn Thị Xiêm, Trương Thị Trích, Nguyễn Thị Lan... Nhìn lên bầu trời xanh, ông Sáu hồi tưởng, cứ chiều chiều là nông dân phải lo rời cánh đồng trở về nhà trong khu dồn ở quận lỵ Thượng Đức. Đêm xuống, những người phụ nữ tham gia binh vận tranh thủ đi làm nhiệm vụ, đọc câu vè với thân nhân của đám lính trong đồn: “Anh ơi cùng giọt máu đào/Đền ơn chính nghĩa trả bao oán thù...”.
Chi khu quân sự Thượng Đức được xây dựng gồm nhiều vòng rào, hào ngăn xung phong, lô cốt. Quân địch bố trí ở đây các đơn vị: Tiểu đoàn 79 biệt động quân, đồn Biên phòng, Trung đội cảnh sát dã chiến, pháo binh 105mm, phi đội A37 từ Đà Nẵng liên tục quần đảo trên không... Giờ đây, những thứ vũ khí đó chỉ còn là hình ảnh đen trắng nằm trong tủ kính tại nhà trưng bày gần di tích Chiến thắng Thượng Đức. Thời điểm nổ ra trận Thượng Đức, Tổng cục Quyền thuật Sài Gòn từng mở đại hội võ đài tại Quảng Ngãi để khuấy động không khí, nhưng mọi thứ vẫn u ám vì thanh niên trốn quân dịch, báo chí rầm rộ đưa tin con số tử trận và thương vong ở căn cứ Nông Sơn, tiếp đến là Thượng Đức.
Những ngày gác núi
Để nắm rõ Chi khu quân sự Thượng Đức, ông Nguyễn Thanh Sáu được cấp trên giao nhiệm vụ từ mặt trận Quảng Ngãi quay về quê để vượt rào, trinh sát, vẽ sơ đồ Chi khu quân sự Thượng Đức. Ban ngày, ông Sáu ngồi trên một cành cây cao trên núi Bằng Ôm để quan sát, nắm tình hình, đêm bắt đầu tìm đường bò vào. Anh em trong đơn vị đặt cho ông biệt danh “Sáu Sẹo” vì nhiều lần bị bom, đạn, mìn nhưng ông Sáu đều thoát chết, chỉ bị thương. Lần trở về trinh sát này, ông xác định, rất gay go, có thể hy sinh, vì chui qua 7 lớp hàng rào. Cuối cùng, ông vẫn xuyên qua được và tới gần khu vực nhà của quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng. Sau này, trong đợt tấn công thứ 2 của quân giải phóng, viên quận trưởng đã tự sát vào thời điểm căn cứ rối loạn.
Ông Sáu là lính biên chế ở D32, trinh sát Quân khu V. Bài thực hành vượt rào đầu tiên được ông Sau trải qua tại các tiền đồn của địch ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Những tiền đồn này chỉ có 2 lớp hàng rào, cách 80m có một cũi nhốt chó. Đêm nào từ tiền đồn cũng ầm ĩ tiếng chó sủa. Sau nhiều lần bò ra, bò vào tiền đồn của địch như đi chợ, biết cách đối phó với lũ chó và làm chúng không sủa, ông Sáu được cấp trên giao nhiệm vụ trở về quê để trinh sát, vẽ bố phòng của quận lỵ và Chi khu quân sự Thượng Đức.
Ông kể, đêm đầu tiên vào đồn trinh sát, tổ 2 người lấy nhớt của lá cây xoa khắp người, sau đó ngụy trang giống hệt như 2 bụi cỏ. Cứ vào lúc 1 giờ sáng, cả 2 anh em bò tới hàng rào và bắt đầu vạch kẽm gai để đột nhập. Lớp rào đầu tiên là rào đơn, lớp kế tiếp là rào bùng nhùng, tiếp đến là rào mái nhà... Tổ 2 người cứ kiên nhẫn - một tay rê trên mặt đất rà mìn, tay kia đẩy khẩu súng ngắn, nếu đèn pha quét tới thì úp mặt xuống đất.
Chiến trường xưa
Đã sang đầu tháng 4/2025, ở miền Trung vẫn còn không khí lạnh, mưa bay lất phất. Bước đi trên mỏm đồi chằng chịt hầm hào, lô cốt, những miệng hầm vỡ toác, những thanh sắt tua tủa, tôi nhớ lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Phúc Thi, quê ở thành phố Hà Nội, là người lính hậu cần lái xe Zil 157 trong chiến tranh: “Sau khi Mỹ rút, tuyến đường Trường Sơn đã thênh thang như vùng tự do, xe đi đầu gắn chữ “đảng viên” là xe chở nặng, trong đó có xăng dầu, những loại vũ khí mà nếu bom nổ gần thì cả xe và người sẽ biến thành bó đuốc. Anh em treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đi xuyên suốt ngày đêm để tiếp tế cho Thượng Đức”.
Sau trận chiến thắng Thượng Đức và thấy sức mạnh của quân đội Sài Gòn đã suy yếu hẳn, Bộ Chính trị quyết định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã tới. Nhưng đối với những người lính lái xe trên đường Trường Sơn, mọi người đều cảm nhận thấy ngày giải phóng đã rất gần. Cựu chiến binh Nguyễn Phúc Thi kể, trước năm 1973, khi quân Mỹ chưa rút, xe phải đi ban đêm và ban ngày thì ngụy trang trong rừng. Vì nếu đi ban ngày và vết bụi trên đường cùng với âm thanh sẽ trở thành mục tiêu oanh tạc của kẻ địch. Nhưng nhiều năm sau, ông Thi mới nhận ra, bom đạn đã ngừng rơi, nhưng mọi người đã sống trong môi trường đầy chất độc da cam.
Cựu chiến binh Ngô Thanh Hải, nguyên cán bộ An ninh Khu ủy Quảng Đà nhớ lại kỷ niệm, ông hô anh em phá cửa tiệm thuốc của bà Sáu Thành để có thêm thuốc cứu chữa cho đồng đội và cả những tù binh ngụy bị thương đang kêu khóc, rất nhiều người trong số đó là thanh niên bị bắt lính từ tận các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Đến ngày 7/8/1974, Chi khu quân sự Thượng Đức sập đổ.