Chiến thắng Bình Giã và bài học đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội hiện nay

Cách đây 60 năm, tại chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền, quân và dân ta đã lập nên Chiến thắng Bình Giã-một trong những chiến công quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, đồng thời là một trong những chiến dịch đầu tiên của LLVT cách mạng trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch đã đánh dấu bước phát triển về lực lượng, phương pháp tác chiến tập trung và khẳng định vai trò của LLVT nói chung, bộ đội chủ lực nói riêng trong thực hiện đường lối cách mạng miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược 'Chiến tranh đặc biệt' của đế quốc Mỹ và để lại nhiều bài học đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội hiện nay:

Một là, chủ động nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ

Sau Đồng khởi năm 1960, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam ngày càng lớn mạnh, chiến tranh du kích phát triển đều khắp trên các chiến trường. Tháng 9-1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về cách mạng miền Nam, chủ trương: Tranh thủ thời cơ, cố gắng đánh bại hoàn toàn ngụy quân trước khi quân Mỹ nhảy vào. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Bình Giã trên địa bàn Đông Nam Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực, phá kế hoạch bình định, phá ấp chiến lược của địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ, đánh bại chỗ dựa cơ bản của quân Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Chuẩn bị cho chiến dịch, Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền đã cử cán bộ cùng Bộ tư lệnh chiến dịch nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến. Ban đầu dự kiến hướng chính của chiến dịch là Chi khu Xuyên Mộc, tiếp đó là Chi khu Đất Đỏ. Sau trinh sát thực địa, Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh chiến dịch nhận thấy, cả hai chi khu này cơ bản được xây dựng rất kiên cố, canh phòng cẩn mật, nếu tập trung đánh vào đây thì khả năng giành thắng lợi không cao.

Trong khi đó, ấp chiến lược Bình Giã (thuộc Chi khu Đức Thạnh) có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự và chính trị, một mắt xích trong hệ thống phòng thủ phía Đông Sài Gòn, nên đã quyết định chọn nơi đây làm điểm khêu ngòi chiến dịch. Phương pháp tác chiến là “đánh điểm, diệt viện”, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, vận động tiến công đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch trên quy mô chiến dịch. Sau quá trình khẩn trương chuẩn bị, tạo thế chiến dịch, ngày 2-12-1964, ta nổ súng tiến công địch. Bằng chiến dịch tiến công tổng hợp, sau hơn một tháng chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vang dội.

 Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Hiện nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Chiến tranh quy mô lớn ít có khả năng xảy ra, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực hải quân với những thế hệ vũ khí mới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hình thức chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia, dân tộc.

Trước tình hình đó, Quân đội phải tích cực nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, nghệ thuật quân sự; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định và thực hiện đường lối, chiến lược, chủ động, tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi đất nước chưa nguy; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Đồng thời chủ động nghiên cứu, dự kiến các tình huống, biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống về quân sự, quốc phòng cả trên không, trên đất liền, trên biển, đảo và trên không gian mạng. Có đối sách xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống với tinh thần không để bị động, bất ngờ về chiến lược; không lúng túng, chậm trễ xử lý các vấn đề chiến thuật và tình huống đột xuất về quân sự, quốc phòng.

Hai là, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội

Quán triệt sâu sắc quyết tâm tiến công của Bộ Chính trị, Trung ương Cục, Đảng ủy-Bộ chỉ huy Miền, Đảng ủy-Bộ tư lệnh chiến dịch đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao, bản lĩnh, tâm lý vững vàng, làm cho bộ đội thấy rõ đòi hỏi của chiến trường lúc này là phải tập trung đánh lớn để tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân ngụy, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa, tạo cục diện mới, thúc đẩy chiến tranh cách mạng miền Nam phát triển.

Theo đó, các đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, phát huy trí tuệ, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, bám sát từng nhiệm vụ, bàn bạc, giải quyết với nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả. Trong giáo dục chính trị, tư tưởng, các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, ý thức cảnh giác, giữ bí mật, chấp hành kỷ luật chiến trường và thực hiện đúng chính sách trong chiến đấu; kịp thời và kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh. Thường xuyên chăm lo, động viên cán bộ, chiến sĩ, phát động phong trào thi đua lập công, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, khẩu hiệu hành động sát với từng đơn vị, từng đợt và từng trận đánh.

Từng cá nhân, đơn vị tự viết quyết tâm thư; khẩu hiệu hành động: “Chặn thật chắc, khóa thật chặt, cắt thật bén”; “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”... sớm lan rộng, trở thành phong trào chung ở các đơn vị tham gia chiến dịch. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chủ lực và địa phương luôn bám sát nhiệm vụ, từng đối tượng; cả tuyến trước, tuyến sau, cả trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nên đã kịp thời tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội. Vì thế, trong chiến đấu, bộ đội đã thể hiện rõ ý chí, tinh thần anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu giành chiến thắng, tiêu diệt toàn bộ Chi đoàn 3 thiết giáp và Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến đi ứng cứu, chi viện cho ấp Bình Giã.

Bài học về coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch Bình Giã vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay khi các thế lực thù địch thường xuyên, tăng cường thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hóa” Quân đội... Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, vững tin vào sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; gắn bó mật thiết với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc của nhân dân. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm Quy chế 775 ngày 12-5-2022 của Tổng cục Chính trị “Về công tác quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, để mỗi cán bộ, chiến sĩ phải là một “pháo đài” vững chắc, kịp thời phát hiện, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội; thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, củng cố mối đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Ba là, thường xuyên kiện toàn về tổ chức lực lượng, đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội

Để đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, công tác củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức được Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch tiến hành thường xuyên, kịp thời sau từng trận chiến đấu, từng đợt chiến dịch, bảo đảm sức chiến đấu được liên tục, vững chắc.

Trước chiến dịch, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đã quyết định thành lập Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí cán bộ chủ chốt của các đơn vị Quân đội và các đồng chí bí thư, phó bí thư khu ủy, tỉnh ủy trên địa bàn chiến dịch. Chuẩn bị cho chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã điều động Trung đoàn 761 và Trung đoàn 762 của Miền về địa bàn tỉnh Bà Rịa để tạo sức mạnh tiêu diệt lớn quân địch trên hướng chủ yếu. Đồng thời chỉ đạo chủ lực của Quân khu 6, Quân khu 7, bộ đội địa phương tỉnh và du kích địa phương phối hợp với quần chúng tiến công địch trên diện rộng, ngay trước và trong chiến dịch. Nhờ đó, ta đã căng kéo, nhử được địch ra khỏi căn cứ, tạo điều kiện cho chủ lực tiến công và đẩy mạnh phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.

Cuối năm 1964, trên địa bàn hai tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa, địch tổ chức một khu quân sự, trực thuộc Quân đoàn 3. Ngoài lực lượng địa phương quân, địch tăng cường sinh lực và được trang bị xe thiết giáp M-113, pháo 105mm, máy bay trực thăng và nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại... Về phía ta, ngoài một số vũ khí thu được của địch từ các trận đánh trước, bộ đội đã được trang bị đầy đủ súng bộ binh và các loại hỏa khí đi cùng. Do đó, việc huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, khí tài và tác chiến hiệp đồng binh chủng được chỉ huy các cấp hết sức quan tâm. Ngày 28-12-1964, trong đợt 2 của chiến dịch, khi địch đổ quân ở Đông Bắc ấp Bình Giã, chỉ với súng 14,5mm và đại liên, ta đã bắn rơi tại chỗ 5 trực thăng chở quân; chiều 30-12-1964, ta bắn rơi thêm 1 trực thăng chở tốp sĩ quan địch bằng súng máy phòng không... Kết quả đó là minh chứng rõ nét cho vai trò của công tác huấn luyện bộ đội, góp phần quan trọng cho việc phát triển các đơn vị chủ lực lên cấp sư đoàn, quân đoàn sau này.

Vận dụng bài học về tổ chức, huấn luyện lực lượng trong Chiến dịch Bình Giã, trong xây dựng Quân đội hiện nay, cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 230 ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch 1228 ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về lãnh đạo tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 1659 ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về "Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”. Chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện đêm, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Cùng với đó, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đối với cán bộ, chỉ huy các cấp, phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, năng lực toàn diện về lãnh đạo, chỉ huy, điều hành đơn vị; trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, xử trí tình huống trong tác chiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Bốn là, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ

Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền luôn xác định: Xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa cấp ủy với bộ đội chủ lực, LLVT và nhân dân địa phương là một yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Do đó, khi thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch, ngoài những đồng chí ở đơn vị chủ lực còn có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo ở địa phương như: Nguyễn Văn Chí, Thường vụ Khu ủy Khu 7; Lê Minh Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa. Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng 2 Trung đoàn bộ binh 761 và 762, Đoàn Pháo binh 80, 2 Tiểu đoàn bộ binh 500 và 800 chủ lực Quân khu 7, Tiểu đoàn 186 chủ lực Quân khu 6, Đại đội 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng lực lượng dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch, các lực lượng tham gia chiến dịch đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong các giai đoạn chiến dịch. Trong giai đoạn tạo thế, Đoàn Pháo binh 80 tập kích sân bay Biên Hòa, Quân khu miền Đông mở nhiều cuộc tiến công địch ở Hoài Đức, Gia Định, Tây Ninh... tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán, căng kéo lực lượng đối phó. Tận dụng thời cơ, các đơn vị tham gia chiến dịch trên nhiều hướng bí mật cơ động về Bà Rịa, triển khai đội hình xuất phát tiến công đúng ý định, bảo đảm bí mật, tạo bất ngờ lớn cho địch.

Trong giai đoạn thực hành tác chiến, nắm chắc thời cơ, Trung đoàn 761 (thiếu) và Trung đoàn 762 đã phối hợp nghi binh, tạo thế, lừa dụ địch, thực hiện thành công các trận then chốt chiến dịch tiêu diệt lớn sinh lực địch ngoài công sự; phối hợp cùng địa phương phá các ấp chiến lược Bình Giã, Đức Mỹ, An Phú, làm tan rã lực lượng dân vệ của địch. Biệt động của ta ở Bà Rịa cũng tăng cường hoạt động, diệt ác, phá tề, hỗ trợ cho hoạt động tác chiến của chiến dịch phát triển thuận lợi.

Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, cấp ủy, chính quyền các địa phương sử dụng LLVT tại chỗ nhổ đồn, bốt, phá ấp chiến lược, phát triển chiến tranh du kích, mở rộng phạm vi hoạt động. Các hình thức đấu tranh chính trị được vận dụng linh hoạt, hỗ trợ hiệu quả cho đấu tranh quân sự. Nhân dân tỉnh Bà Rịa hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, không quản hiểm nguy bảo đảm hậu cần cho bộ đội và vận chuyển thương binh, tử sĩ, đạn dược phục vụ kịp thời cho chiến dịch.

Kế thừa và phát huy bài học về phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong Chiến dịch Bình Giã, trong xây dựng Quân đội hiện nay cần tiếp tục quán triệt, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường phối hợp giữa LLVT với các cơ quan dân, chính, đảng, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong khu vực phòng thủ trên từng địa bàn, hướng chiến lược, tỉnh, thành phố vững chắc. Phát huy vai trò, khả năng, sở trường của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

6 thập kỷ đã qua đi, Chiến thắng Bình Giã mãi là trang sử oanh liệt của quân và dân ta; là chỉ dấu quan trọng về sự thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, như đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong "Chiến tranh đặc biệt”. Những bài học được rút ra từ Chiến thắng Bình Giã đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-thang-binh-gia-va-bai-hoc-doi-voi-su-nghiep-xay-dung-quan-doi-hien-nay-803978
Zalo