Chiến thắng Bình Giã 60 năm trước là hiện thân của nghệ thuật quân sự đặc sắc

Ngày 22-11, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề '60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm'.

Đài kỷ niệm Chiến thắng Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TC.

Đài kỷ niệm Chiến thắng Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TC.

Hơn 500 đại biểu từ Trung ương, các bộ, ngành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các nhà nghiên cứu dự hội thảo. Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 báo cáo, tham luận với nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, có một số khía cạnh mới về Chiến thắng Bình Giã.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, cuối năm 1964, đầu năm 1965, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền mở các chiến dịch tiến công trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân đội Sài Gòn, hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, củng cố, nối liền các khu căn cứ...

Các đại biểu, nhân chứng lịch sử gặp gỡ, giao lưu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

Các đại biểu, nhân chứng lịch sử gặp gỡ, giao lưu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

“Lần đầu tiên, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo tổ chức sử dụng lực lượng chủ lực với phương pháp tác chiến tập trung đánh bại lực lượng chính quy cơ động mạnh của quân đội Sài Gòn. Qua chiến dịch, lực lượng vũ trang miền Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức, chỉ huy tác chiến, đặc biệt chiến thuật đánh vận động được rèn luyện và nâng cao”, Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh phân tích.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, hội thảo tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm những nội dung: phân tích âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; phản ứng của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước đòn tiến công Bình Giã của quân Giải phóng miền Nam; dư luận nhân dân Mỹ và thế giới qua từng giai đoạn phát triển của chiến dịch.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

Tham luận tại hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định, Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự phát triển trong tư duy chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch sau.

Còn Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo hội thảo đánh giá, chiến dịch cho thấy tầm quan trọng của công tác tổ chức, chỉ huy chiến đấu và sử dụng lực lượng. Việc xây dựng lực lượng quân Giải phóng miền Nam chính quy kết hợp với lực lượng tại chỗ đã tạo nên sức mạnh to lớn. Ý chí kiên cường, dũng cảm và lòng kiên định của bộ đội và nhân dân trong chiến dịch đã trở thành biểu tượng và động lực cho các thế hệ mai sau.

Những tham luận và ý kiến được trình bày tại hội thảo còn tôn vinh và tri ân công lao của lực lượng vũ trang giải phóng cùng các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Bên cạnh đó, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Quân.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, hội thảo lần này là một trong các hoạt động trọng điểm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh; tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Đặc biệt, những bài học, nghệ thuật quân sự quý báu rút ra từ Chiến thắng Bình Giã cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ông Phạm Viết Thanh nói.

Từ ngày 2-12-1964, đến ngày 3-1-1965, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã mở Chiến dịch Bình Giã trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và hai huyện phía Nam Bình Thuận. Sau hơn một tháng chiến đấu, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, nòng cốt là 2 trung đoàn Bộ binh Q761 và Q762, cùng lực lượng tại chỗ, chiến dịch đã đạt được những thắng lợi quan trọng.

Quân và dân ta đã giáng một đòn mạnh vào quân đội Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sinh lực tinh nhuệ của địch, giải phóng đất đai, thu nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chien-thang-binh-gia-60-nam-truoc-la-hien-than-cua-nghe-thuat-quan-su-dac-sac-685319.html
Zalo