Chiến sĩ làm công tác tư tưởng cho chiến sĩ

Để nắm bắt và giải quyết tốt tình hình tư tưởng bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) đã có nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả, qua đó, giúp chiến sĩ mới (CSM) yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Một trong những biện pháp hiệu quả trong công tác tư tưởng tại Lữ đoàn 242 là phân nhóm để quản lý, đồng thời, phát huy vai trò của các chiến sĩ trong đơn vị. Thực tế cho thấy, cán bộ dù sâu sát đến đâu cũng khó nắm bắt kịp thời những diễn biến tư tưởng xảy ra. Do đó, việc động viên, khuyến khích chiến sĩ chủ động chia sẻ, phản ánh tình hình tư tưởng của đồng đội mình đã mang lại hiệu quả thiết thực ở Lữ đoàn 242.

 Chỉ huy Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng động viên các chiến sĩ mới, tháng 2-2025.

Chỉ huy Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng động viên các chiến sĩ mới, tháng 2-2025.

Điển hình là trường hợp của Binh nhì Trần Văn Hoàng Anh, CSM thuộc Trung đội 2, Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng. Hoàng Anh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố mẹ mất sớm, Hoàng Anh lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội. Khi nhận được tin bà ốm, không có ai chăm sóc, Hoàng Anh rất lo lắng và buồn bã. Vào giờ giải lao trên thao trường, Hoàng Anh ngồi trầm tư một mình. Thấy đồng đội có biểu hiện tư tưởng, Binh nhì Lưu Hồng Ngọc cùng sinh hoạt, học tập trong tiểu đội, lại cùng quê ở quận Hải An (TP Hải Phòng) tìm cách trò chuyện, tìm hiểu và báo cáo với chỉ huy đơn vị. Từ những thông tin do Binh nhì Lưu Hồng Ngọc cung cấp, chỉ huy đơn vị nắm bắt tình hình kịp thời, động viên, giúp đỡ và tạo điều kiện cho Hoàng Anh gọi điện về hỏi thăm sức khỏe ông bà. Chính nhờ sự động viên kịp thời đó, Hoàng Anh đã vượt qua tâm lý lo lắng, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ánh, Chính trị viên Đại đội 5B, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng cho biết: “Để công tác tư tưởng đạt hiệu quả cao, không chỉ cán bộ các cấp mà chiến sĩ cũng cần tham gia tích cực vào quá trình này. Qua việc gần gũi, chia sẻ, các chiến sĩ sẽ dễ dàng phát hiện và báo cáo kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đơn vị”.

Áp dụng mô hình phân nhóm để quản lý giúp cán bộ các cấp chủ động hơn trong việc theo dõi, quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần của bộ đội. Các nhóm được phân chia theo độ tuổi, hoàn cảnh gia đình, quê quán, dân tộc... Đặc biệt, với những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương để quản lý và giáo dục. Thượng tá Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 242 chia sẻ: “Đối với CSM về đơn vị, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới việc nắm bắt tư tưởng trong những ngày đầu. Môi trường quân ngũ có nhiều khác biệt, do đó, chỉ huy các cấp luôn gần gũi, động viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo không khí thoải mái, gắn kết giữa các chiến sĩ. Đồng thời, cán bộ thường xuyên trò chuyện, lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của bộ đội ngay từ những việc nhỏ nhất, tránh để tư tưởng tiêu cực kéo dài”.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại dân chủ trực tiếp giữa chỉ huy với bộ đội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Những buổi đối thoại này không chỉ tạo môi trường cởi mở, thân thiện mà còn giúp chỉ huy kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đơn vị.

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-si-lam-cong-tac-tu-tuong-cho-chien-si-824107
Zalo