Chiến lược vượt khó của BSR
Quý III/2024, ngành lọc dầu toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức do giá dầu thô giảm mạnh, biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp. Nhiều công ty lọc dầu lớn trên thế giới sụt giảm lợi nhuận, thậm chí có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã áp dụng nhiều giải pháp quản trị biến động, các sáng kiến, sáng tạo để vượt khó.
Ngành lọc hóa dầu toàn cầu suy giảm mạnh
Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ suy giảm, ngành lọc hóa dầu toàn cầu đang phải chịu rất nhiều sức ép. Theo thống kê trong quý III/2024, gần như tất cả các tập đoàn dầu khí đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Hãng dầu khí Phillips 66 của Mỹ lợi nhuận chỉ đạt 859 triệu USD, giảm đáng kể so với 2,1 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng lọc dầu của hãng đã lỗ 108 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,7 tỉ USD. Một tập đoàn lớn khác là Chevron cũng có lợi nhuận giảm 21%, chỉ đạt 4,5 tỉ USD so với 5,7 tỉ USD cùng kỳ năm trước; mặc dù sản lượng dầu quy đổi ròng toàn cầu của hãng tăng 7% so với năm ngoái. Tỷ lệ suy giảm đối với mảng lọc dầu cao nhất là Valero Energy khi lợi nhuận chỉ còn 565 triệu USD so với mức 3,4 tỉ USD năm trước.
Tại châu Âu, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã giảm 37% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm trước và giảm 12,7% so với quý trước. Tập đoàn BP của Anh có lợi nhuận giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, từ 3,29 tỉ USD xuống còn 2,27 tỉ USD; đây là mức thấp nhất trong gần 4 năm của hãng này. Cũng tại Anh, Shell đã giảm 600 triệu USD lợi nhuận trong mảng hóa chất và lọc dầu.
Tại châu Á, tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ là Indian Oil còn có mức lợi nhuận ròng giảm tới 98,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 21,4 triệu USD. Tại Trung Quốc, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Sinopec có lợi nhuận ròng giảm tới 52,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,2 tỉ USD. Cũng tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng của các nhà máy lọc dầu càng trở nên nghiêm trọng khi vào tháng 9-2024, hai nhà máy lọc dầu là Zhenghe và Shandong Huaxing tại tỉnh Sơn Đông do Sinochem vận hành đã tuyên bố phá sản. Hai nhà máy này có tổng công suất chế biến khoảng 300.000 thùng/ngày. Nguyên nhân đóng cửa của 2 nhà máy này được cho là do biên lợi nhuận giảm mạnh và nhu cầu thị trường yếu. Một nhà máy khác của Sinochem là Shandong Changyi cũng phải tiến hành họp với các ngân hàng, nhà đầu tư để thảo luận về việc tái cơ cấu nợ nhằm tránh phá sản.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành lọc dầu toàn cầu, các nhà máy lọc hóa dầu trong nước như Nghi Sơn, Dung Quất... cũng gặp rất nhiều thách thức, doanh thu và lợi nhuận giảm rất mạnh trong quý III/2024. Thậm chí, giữa tháng 10, Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn thông báo đã tạm dừng vận hành thương mại. Đại diện tổ hợp cho biết, tổ hợp này phải dừng vận hành thương mại vì tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu không cao.
Quản trị biến động để vượt qua khó khăn
Khó khăn của ngành lọc dầu toàn cầu trong quý III/2024 đến từ 3 yếu tố chính. Đó là giá dầu thô suy giảm mạnh, biên lợi nhuận lọc dầu giảm sút và nhu cầu tiêu thụ yếu. Trước những khó khăn này, BSR đã nhanh chóng thích ứng và ứng phó với sự suy giảm của giá dầu nhằm chống chịu và vượt qua giai đoạn khó khăn. BSR đã xây dựng và triển khai chiến lược quản trị biến động, tập trung vào việc duy trì sự linh hoạt trong vận hành, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí, tăng cường dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó, linh hoạt kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với sự biến đổi của thị trường.
Về nguồn dầu thô, nguyên liệu đầu vào, BSR tăng cường tìm kiếm và chế biến các loại dầu mới, đặc biệt dầu nhập khẩu nhằm nâng cao khả năng linh hoạt của nhà máy. Bên cạnh đó, BSR tận dụng cơ hội thị trường, lựa chọn thời điểm chào mua hợp lý nhằm tăng khả năng mua nguồn dầu thô nhập khẩu cũng như tìm kiếm các loại dầu mới.
Về tối ưu cơ cấu sản phẩm, BSR đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị cao như ADO, Jet - A1, PP, và tăng tỷ lệ sản phẩm xăng Mogas 95/Mogas 92 từ 40%/60% theo thiết kế ban đầu lên trên 70%/30%. BSR tiếp tục triển khai các giải pháp cải tiến để tăng tỷ lệ xăng Mogas 95, hướng đến tăng thị phần sản xuất xăng Mogas 95 trong những năm tới.
Trong công tác tiêu thụ sản phẩm, BSR thường xuyên đánh giá, nhận định tình hình thị trường để có giải pháp phù hợp, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng trong trường hợp giá dầu điều chỉnh giảm như: tăng công suất vận hành, xuất bán nhanh sản phẩm và duy trì tồn kho ở mức hợp lý để giảm thiểu rủi ro giảm giá hàng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng và áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt.
Bên cạnh các giải pháp về dầu thô và thị trường, công tác bảo dưỡng được tổ chức định kỳ, thường xuyên, hiệu quả, tối ưu chi phí, bảo đảm an toàn vận hành và hoạt động ổn định cho nhà máy. BSR đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả; nghiên cứu và triển khai các giải pháp để giảm thiểu chi phí bảo dưỡng nhà máy; thay đổi chế độ vận hành; nghiên cứu phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến, nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước…
Đặc biệt, trong công tác quản trị, BSR hướng tới việc tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới, gồm kinh doanh dầu thô và các sản phẩm hóa dầu; cung cấp dịch vụ, bao gồm vận hành và bảo dưỡng, quản lý bảo dưỡng tổng thể, quản lý dự án, quản lý an toàn, bảo đảm chất lượng/kiểm soát chất lượng (QA/QC) và đào tạo. BSR thường xuyên cập nhật và hoàn thiện hệ thống quản lý, quản trị rủi ro… phù hợp với các quy định pháp luật và chiến lược phát triển của công ty. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thực hiện các định hướng phát triển, quản trị rủi ro, mô hình sản xuất thông minh và bảo đảm hiệu quả các nghiệp vụ cốt lõi của doanh nghiệp.
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, BSR đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, Chỉ thị nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm để hoàn thành Kế hoạch quản trị năm 2024 và Chỉ thị triển khai phòng, chống lãng phí trong bối cảnh mới, đặt mục tiêu phấn đấu tối ưu, tiết giảm tối thiểu 10-15% chi phí sản xuất kinh doanh so với kế hoạch.
BSR đã nhanh chóng thích ứng, ứng phó với sự suy giảm của giá dầu nhằm chống chịu và vượt qua giai đoạn khó khăn. BSR đã xây dựng và triển khai chiến lược quản trị biến động, tập trung vào việc duy trì sự linh hoạt trong vận hành, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí, tăng cường dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó, linh hoạt kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với sự biến đổi của thị trường.