Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam

Sáng 11/5, Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen sẽ tổ chức buổi tọa đàm chuyên sâu với chủ đề 'Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam' với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa, ung thư.

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm.

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ tử vong chuẩn hóa theo độ tuổi là 104/100.000 dân, xếp hạng 57 trên thế giới. Các loại ung thư phổ biến bao gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, vú và đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 16.835 ca mắc mới mỗi năm, chiếm 9,7% tổng số ca ung thư và hơn 8.454 ca tử vong, xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư.

Đặc biệt, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, với tỷ lệ chẩn đoán ở người dưới 50 tuổi tăng 45% kể từ năm 1995.

Hiện nay, các phương pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng chủ yếu bao gồm nội soi đại tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân và sinh thiết mô nghi ngờ. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn tồn tại một số hạn chế đáng kể, cụ thể: Nội soi đại tràng là phương pháp xâm lấn, yêu cầu phải nhịn ăn và làm sạch đường ruột trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, xét nghiệm máu ẩn trong phân, mặc dù không xâm lấn và dễ thực hiện, nhưng có độ nhạy thấp và không thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Đáng chú ý, nếu ung thư đại trực tràng được phát hiện ở các giai đoạn sớm, khả năng chữa trị thành công sẽ cao hơn và tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 90%.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và tầm soát ung thư đại trực tràng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Các chuyên gia đầu ngành sẽ cùng thảo luận về thực trạng ung thư đại trực tràng, vai trò của các phương pháp sàng lọc-chẩn đoán-điều trị hiện đại và định hướng chiến lược nhằm kiểm soát hiệu quả căn bệnh này tại Việt Nam.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chien-luoc-sang-loc-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-dai-truc-trang-tai-viet-nam-post878683.html
Zalo