Chiến lược 'hướng về nông thôn' của chuỗi WinCommerce - Tập đoàn Masan (MSN) thắng lớn

Chuỗi WinCommerce thuộc Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) cho biết doanh thu nửa đầu năm nay đã cán mốc 17.900 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu đã đề ra.

Chuỗi WinCommerce - công ty thành viên của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với doanh thu đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2024. Mức tăng trưởng này vượt mục tiêu cơ sở 8 - 12% được chuỗi bán lẻ này đặt ra trước đó. Riêng tháng 6/2025, chuỗi bán lẻ này ghi nhận doanh thu lên tới 3.218 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

Động lực tăng trưởng của chuỗi WinCommerce đến từ việc đẩy mạnh tái cấu trúc, tối ưu hóa hoạt động vận hành, cùng với việc mở rộng có chọn lọc, tập trung khai thác khu vực nông thôn.

Nửa đầu năm nay, chuỗi bán lẻ này đã mở mới 318 cửa hàng, tương ứng hoàn thành hơn 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, gần 75% số cửa hàng mở mới là theo mô hình WinMart+, vốn được thiết kế chuyên biệt cho đặc điểm kinh doanh tại khu vực nông thôn, và hơn 50% số cửa hàng mở mới là đặt tại khu vực miền Trung. Đáng chú ý, toàn bộ các điểm bán mới này đều ghi nhận lợi nhuận dương ngay khi đi vào vận hành, cho thấy hiệu quả của chiến lược “hướng về nông thôn”.

Gần 75% số cửa hàng mở mới của chuỗi WincCommerce trong 6 tháng đầu năm nay là theo mô hình WinMart+.

Gần 75% số cửa hàng mở mới của chuỗi WincCommerce trong 6 tháng đầu năm nay là theo mô hình WinMart+.

Đại diện chuỗi WinCommerce chia sẻ, việc đi sâu vào các thị trường ngách, đặc biệt là tại các địa phương có mật độ dân cư cao nhưng chưa được các chuỗi bán lẻ hiện đại khai thác đầy đủ, kết hợp với danh mục sản phẩm phù hợp và vận hành hiệu quả đã giúp các cửa hàng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và sinh lời.

Trước đó, phát biểu tại sự kiện Techcombank Investment Summit 2025 ngày 09/07, ông Danny Le -Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan nhận định ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn không gian phát triển khổng lồ. Kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện chỉ chiếm 12% tổng thị trường, con số khiêm tốn so với các quốc gia lân cận như Thái Lan hay Indonesia (30 - 50%).

Trong đó, thị trường nông thôn là mảnh ghép lớn nhưng lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ. Thị trường bán lẻ thực phẩm có quy mô 50 tỷ USD, trong đó 5 thành phố thuộc trung ương chỉ đóng góp 9 tỷ USD, tức bằng 20% quy mô cả nước. Đa số nhà bán lẻ thực phẩm đang tập trung tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Khu vực nông thôn chiếm đến 65% dân số cả nước nhưng độ phủ của kênh hiện đại còn rất hạn chế, ước tính ở mức 10%, chỉ bằng một nửa so với khu vực thành thị. Như vậy ngành bán lẻ thực vẫn còn giá trị khoảng 41 tỷ USD chưa được khai thác hết.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cũng cho biết để phát triển lĩnh vực bán lẻ bền vững và thích ứng với kỷ nguyên công nghệ, việc xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối (end-to-end supply chain) và phát triển nền tảng dữ liệu là các yếu tố sống còn, giúp tăng tốc quá trình hiện đại hóa bán lẻ.

Trong bối cảnh đó, chuỗi WinCommerce đang sở hữu lợi thế cạnh tranh khi là một mắt xích cốt lõi trong hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ của Tập đoàn Masan, từ đó hưởng lợi trực tiếp từ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Tập đoàn Masan là một trong số ít doanh nghiệp nội địa sở hữu hành trình hoàn chỉnh của sản phẩm, từ khâu sản xuất với Masan Consumer, Masan MEATLife, WinEco, qua hệ thống logistics chuyên biệt của Supra, đến mạng lưới phân phối đa kênh gồm WinMart/WinMart+, chương trình hội viên WiN và các kênh thương mại điện tử. Nền tảng tài chính tiêu dùng từ Ngân hàng Techcombank cũng góp phần hoàn thiện hệ sinh thái này.

Sự tích hợp này không chỉ giúp chuỗi WinCommerce tối ưu hiệu suất vận hành mà còn cho phép kiểm soát chất lượng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho từng khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững để đón đầu làn sóng bùng nổ của bán lẻ hiện đại, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Dany Le cho biết.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chien-luoc--huong-ve-nong-thon--cua-chuoi-wincommerce-tap-doan-masan--msn--thang-lon-142895.htm
Zalo