Chiến lược giúp Trung Quốc trở thành số 1 về năng lượng gió và mặt trời

Trong một báo cáo được công bố mới đây, nhóm nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về triển khai năng lượng gió và mặt trời, một phần nhờ vào các chương trình khuyến khích của nhà nước và chiến lược mở rộng lưới điện đầy tham vọng.

Ảnh: thepro

Ảnh: thepro

Vào năm 2023, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm hơn một nửa lượng bổ sung năng lượng gió và mặt trời toàn cầu. Các cơ sở năng lượng gió và mặt trời của Trung Quốc hiện tạo ra 1.470 terawatt giờ điện mỗi năm - tương ứng 37% tổng sản lượng toàn cầu từ các nguồn năng lượng này và nhiều hơn toàn bộ nhu cầu điện của Nhật Bản, hay 75% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ.

Còn theo một báo cáo của Tổ chức phi Chính phủ GEM, Trung Quốc có tổng cộng 339 gigawatt (GW) công suất đang được xây dựng, bao gồm 180 GW điện mặt trời và 159 GW điện gió, gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới gộp lại. So với Trung Quốc, tổng cộng suất năng lượng tái tạo đang xây dựng của Mỹ chỉ ở mức 40 GW, theo Interesting Engineering.

Tốc độ của quá trình chuyển đổi đã tăng tốc, với việc khai thác nguồn năng lượng gió và mặt trời tăng gấp đôi chỉ sau ba năm. Tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện, chiếm 30,7% tổng nguồn điện của Trung Quốc vào năm 2023, tăng từ 20,1% của một thập kỷ trước.

Phía sau sự thay đổi

Năng lượng sạch đã trở thành lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc vì ba lý do chính: Những lo ngại về khí hậu và ô nhiễm; mong muốn giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhập khẩu nhiên liệu; và tham vọng xây dựng thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Ember lưu ý rằng vào năm 2023, năng lượng sạch đã là động lực hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích lắp đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời, bao gồm cả giá ưu đãi và trợ cấp dưới hình thức ưu đãi thuế. Trung Quốc cũng tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, chẳng hạn như đường dây truyền tải đường dài, để giảm thiểu tình trạng cắt giảm (lãng phí điện) và tận dụng nguồn tài nguyên gió và mặt trời dồi dào trong nội địa đất nước.

Ember cho biết trong thập kỷ qua, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hơn 1/3 việc mở rộng lưới điện truyền tải trên toàn cầu. Trong khi đó, những cải cách nhằm ưu tiên tiêu thụ từ các trang trại điện gió và mặt trời hơn các công nghệ khác đã giúp giảm tỷ lệ cắt giảm.

Ember lưu ý rằng, các mục tiêu triển khai năng lượng tái tạo cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương. Ví dụ, chương trình “Whole county PV" yêu cầu lắp đặt các tấm pin mặt trời trên một tỷ lệ mái nhà nhất định. Chỉ riêng năm 2022, nó đã mang lại 55GW công suất lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Theo kế hoạch này, các nhà phát triển lớn – thường là các đơn vị nhà nước – được giao nhiệm vụ quản lý chương trình tại thành phố hoặc khu vực cụ thể của họ, làm việc với mạng lưới các nhà phát triển địa phương nhỏ hơn có nhiệm vụ xác định những mái nhà phù hợp và đảm bảo quyền phát triển dự án.

Tạo bước đột phá

Nghiên cứu của GEM chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ cần lắp đặt 1.600 - 1.800 GW điện mặt trời và điện gió vào năm 2030 để hoàn thành mục tiêu 25% tổng năng lượng đến từ nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch. Từ năm 2020 đến năm 2030, chỉ 30% mức tiêu thụ nhiên liệu gia tăng đến từ nguồn tái tạo.

một trang trại gió ngoài khơi huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc - Ảnh: THX

một trang trại gió ngoài khơi huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc - Ảnh: THX

Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm từ năm 2024. Điều đó một phần nhờ vào sự phục hồi sản lượng thủy điện sau đợt hạn hán lịch sử và cũng nhờ sự bùng nổ liên tục trong việc lắp đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Mặc dù chứng kiện sự phát triển nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Trung Quốc vẫn phải đối mặt những thách thức lớn. Một nghiên cứu trước đây của GEM cùng với CREA, cho thấy những nhà máy nhiệt điện mới tăng gấp 4 lần từ năm 2022 đến năm 2023 so với giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Ngoài ra, tổng lượng tiêu thụ than đá tăng từ mức trung bình 0,5%/năm lên 3,8%/năm trong giai đoạn trên.

Như vậy, năng lượng sạch dù đã trở thành yếu tố cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc, song, than đá vẫn là một phần chủ chốt trong chiến lược năng lượng của nước này. Để sử dụng hiệu quả công suất năng lượng sạch ngày càng tăng từ các trang trại điện mặt trời và điện gió, nhóm phân tích nhấn mạnh Trung Quốc cần sớm có những giải pháp lưu trữ tốt hơn và lưới điện linh hoạt hơn. Nhận thức được điều này, trong năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 11 tỷ USD vào pin với lưới điện, tăng 364% so với năm 2022.

Trong một báo cáo triển vọng mới, nhóm nghiên cứu cho biết: "Con đường của Trung Quốc sẽ kéo theo lượng khí thải giảm ngay lập tức từ năm 2024".

Bình An

playbook/sciene

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chien-luoc-giup-trung-quoc-tro-thanh-so-1-ve-nang-luong-gio-va-mat-troi-719502.html
Zalo